Chuyên gia y tế: Cân nhắc nghiên cứu tiêm vaccine mũi 4 cho người dân

Với sự gia tăng số ca nhiễm Covid-19 ngoài cộng đồng, ngoài việc triển khai thần tốc hơn nữa tiêm chủng vaccine, không để quá tải hệ thống y tế, đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 thì việc tập trung nghiên cứu tiêm vaccine mũi 4 đang được cân nhắc. Nhiều ý kiến cho rằng mũi 4 vaccine Covid-19 nên ưu tiên với 1 số nhóm đối tượng và chưa nên tiêm đại trà.

Ghi nhanh tại Bệnh viện Điều trị người bệnh Covid 19, hiện nay tại đây đang điều trị cho gần 100 ca bệnh, đa số các ca nhiễm đều là nhiễm chủng Omicron, dù có tốc độ lây lan nhanh nhưng mức độ gây bệnh được đánh giá là khá nhẹ. Theo ý kiến của các bác sĩ, chuyên gia trong ngành cho biết nếu một người tiêm đủ 3 mũi vaccine cơ bản đã tạo miễn dịch, điều này giúp người bệnh ít có diễn biến chuyển nặng và tử vong. 

Bác sĩ, PGS.TS HOÀNG BÙI HẢI, Bệnh viện Điều trị người bệnh Covid 19, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu BV ĐH Y Hà Nội: “Hai tháng trở lại đây, làn sóng lây nhiễm Covid rất là nhanh. Số lượng bệnh nhân tăng rất là nhiều, tuy nhiên số bệnh nhân nặng thì không gia tăng. Các bệnh nhân nặng chủ yếu là nhóm bệnh nhân chưa được tiêm vaccine, bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền. Kể cả những người không có bệnh lý nền, nếu không tiêm vaccine cũng rất dễ bị trở nặng. Một số bệnh nhân được tiêm mũi 3 phải vào viện tình trạng cũng không quá nặng". 

Trước diễn biến dịch phức tạp như hiện nay, vaccine vẫn là lá chắn giúp hạn chế bệnh nhân nhiễm covid bị chuyển nặng cũng như giảm tỷ lệ tử vong. Tuy nhiên, việc tiêm vaccine mũi 4 hay tiêm các mũi nhắc lại về sau cũng là 1 trong những giải pháp cần phải được nghiên cứu, xem xét cẩn thận, tỉ mỉ dựa vào thực tế, thời điểm dịch bệnh, cũng như nên chăng cần ưu tiên cho những nhóm có nguy cơ cao như nhóm suy giảm miễn dịch, bệnh nền, người cao tuổi. 

Bác sĩ, PGS.TS HOÀNG BÙI HẢI, Bệnh viện Điều trị người bệnh Covid 19, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu BV ĐH Y Hà Nội: “Một điều chắc chắn rằng là, những người chưa được tiêm vaccine thì rất là nặng. Những người được tiêm đầy đủ mũi nhưng vẫn phải vào viện nhưng khả năng phục hồi cũng sẽ được tốt hơn. Tiêm 1 mũi còn tốt hơn không tiêm mũi nào, những người được tiêm 2 mũi cũng tốt hơn 1 mũi, gần đây một số 1 bệnh nhân đã tiêm mũi 3 vào đây thì cũng không còn quá nặng. Do vậy, việc tiêm vaccine nhắc lại vào thời điểm thích hợp là cần thiết, kể cả đó là mũi 4 hay mũi 5, tuỳ vào tình hình thực tế và tình hình dịch như thế nào”.

Bác sĩ, TS PHẠM QUANG THÁI, Phó Trưởng khoa Kiểm soát Bệnh Truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ: “Chúng ta thấy rằng trong liều cơ bản ở những nhóm đối tượng như bệnh lý nền, suy giảm hệ miễn dịch trường hợp cảm thấy rằng là nguy cơ, hệ miễn dịch sẽ rất là kém. Trong chương trình tiêm vừa rồi, thì đã có ba mũi cơ bản và sau đó chúng ta tiêm mũi nhắc lại, chính là mũi thứ 4 sẽ có những tư vấn liên quan đến mũi thứ 4”.

Các chuyên gia cho biết chiến lược tốt nhất hiện nay là cần tập trung bảo vệ các nhóm nguy cơ từ xa, tức là bên cạnh việc tiêm chủng, chúng ta cần quản lý, phát hiện sớm các trường hợp biến chủng mới, qua đó, cung ứng thuốc kháng virus trong điều trị để tránh tình trạng trở nặng. Và cuộc chiến với dịch bệnh Covid là một cuộc chiến trường kỳ và vaccine mũi thứ 4 có thể là khởi đầu cho việc tiêm vaccine Covid-19 định kỳ hàng năm. 

Ngô Trang