Chuyên gia lạc quan về khả năng thị trường chứng khoán Việt Nam nâng hạng thành thị trường mới nổi

Nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi là mục tiêu dài hạn được Chính phủ đưa ra nhằm thu hút vốn đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư nước ngoài. Quy mô của thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng gấp 4 lần so với thời điểm thị trường năm 2012 và trở thành thị trường chứng khoán tăng trưởng vượt trội trong khu vực nhưng để thành thị trường chứng khoản mới nổi, VN cần làm gì?

Quy mô của thị trường chứng khoán tương đương 93,8% GDP và hướng đến mục tiêu đạt 110% GDP vào năm 2030. Theo các chuyên gia nếu được nâng hạng lên thị trường mới nổi, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể thu hút thêm được hàng chục tỷ USD từ nhà đầu tư nước ngoài.

Ông TRẦN ANH TUẤN, Giám đốc Trung tâm Phân tích PSI: “Hiện nay chúng ta đang ở thị trường cận biên, các khoản đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã phần là những khoản đầu tư để đa dạng hóa danh mục đầu tư của họ, hoặc đầu tư vào một số khu vực (sector) nhất định. Khi chúng ta được nâng hạng lên thị trường mới nổi thì họ coi thị trường Việt Nam là một thị trường có thanh khoản tốt, có triển vọng rất cao. Dòng tiền đầu tư gián tiếp vào Việt Nam sẽ tăng trưởng tốt và ổn định.”

Những rào cản hiện tại mà thị trường chứng khoán Việt Nam đang gặp phải được gói gọn trong 5 hạng mục bao gồm: Tính thanh khoản thị trường; Khả năng thanh toán; Quản trị và quản lý thông tin; Minh bạch thông tin; Tăng giới hạn sở hữu nhà đầu tư nước ngoài. 

Có thể thấy để đạt được những điều kiện này ngay từ bây giờ thị trường chứng khoán Việt Nam cần được tập trung quan tâm hơn nữa nhằm đạt được những cải cách về cả định tính và định lượng. 

Bà TRẦN KHÁNH HIỀN, Giám đốc phân tích VNDIRECT: “Tôi kỳ vọng khi hệ thống giao dịch mới KRX đi vào vận hành thì giúp cho những rào cản về mặt kỹ thuật sẽ được xóa bỏ và chúng ta sẽ tiệm cận hơn với việc được nâng hạng.” 

GS. TS. ANDREAS STOFFERS, Giám đốc Quốc gia Viện Friedrich Naumenn vì Tự do: “Theo tôi thì thiết lập một tổ chức đánh giá tín nhiệm độc lập với vai trò trung lập để đánh giá các doanh nghiệp như là Standard’s n Poors, Moody’s and Fitch ở Mỹ, đối với Việt Nam những tổ chức tín nhiệm như vậy cũng rất cần thiết bởi nhà đầu tư biết được các công ty đã được đánh giá bởi các tổ chức rất đáng tin cậy. Việc này sẽ làm tăng độ tin cậy của thị trường cổ phiếu và trái phiếu tại Việt Nam.”

Các chuyên gia đều cho thấy cái nhìn lạc quan về khả năng thị trường chứng khoán Việt Nam có thể nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi đặc biệt nhờ quyết tâm của Chính phủ trong việc minh bạch hóa thị trường tạo niềm tin cho nhà đầu tư thông qua việc rà soát sửa đổi các bất cập trong hệ thống pháp lý cùng với việc tăng cường giám sát xử lý các vụ việc thao túng cổ phiếu.

Như Hiền