Chuyên gia "hiến kế" để Việt Nam phục hồi và phát triển sau đại dịch Covid-19

Sáng 13/4, Hội nghị “Cơ chế, chính sách phục hồi và phát triển kinh tế sau tác động của đại dịch Covid-19” do Ban Công tác đại biểu tổ chức nhằm cung cấp cho đại biểu Quốc hội một số kiến thức cơ bản về chính sách tiền tệ; giúp đại biểu có cái nhìn tổng quan về các cơ chế, chính sách phục hồi kinh tế đang được triển khai.

Bên cạnh đó, hội nghị còn là diễn đàn giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm giữa đại biểu Quốc hội và các chuyên gia. 

Theo các đại biểu, kinh tế – xã hội nước ta 3 tháng đầu năm 2022 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn duy trì đà hồi phục, các hoạt động sản xuất được đẩy mạnh, chuỗi cung ứng toàn cầu bắt đầu được khơi thông. Tuy nhiên, xung đột giữa Nga và Ukraina đã tạo ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn ảnh hưởng đến hàng triệu người và là một cú sốc ảnh hưởng nặng nề đến tăng trưởng toàn cầu. 

Giá các loại hàng hóa trên thị trường thế giới tăng cao, đặc biệt là giá dầu thô, khí đốt tự nhiên và khí tự nhiên hóa lỏng tăng mạnh nhất kể từ năm 2011, tạo áp lực lớn đến lạm phát toàn cầu. Dự báo gần đây về tăng trưởng toàn cầu năm 2022 của các tổ chức quốc tế đều giảm so với các dự báo đưa ra trước đó. 

Trước những khó khăn và thách thức mà nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt, theo các chuyên gia để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2022-2023 cần có những nhiệm vụ và giải pháp cần thiết như: Đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng chống dịch bệnh; đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ việc làm; hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp; tiếp tục cải cách thể chế, giải quyết những điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công; trong dài hạn, nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo trong bối cảnh thời đại công nghiệp 4.0 đã, đang và sẽ là động lực phát triển lâu dài cho nền kinh tế.

Tuấn Anh