Chuyên gia giải thích vì sao Bộ Y tế đề xuất chưa coi Covid-19 là bệnh lưu hành

Dự thảo mới của Bộ Y tế có đề xuất chưa coi Covid-19 là bệnh lưu hành mà vẫn là bệnh truyền nhiễm nhóm A. Nội dung này vẫn đang được lấy ý kiến từ các chuyên gia để góp phần hoàn thiện cho Dự thảo về Công tác phòng, chống dịch Covid-19. Sau đây là cuộc trao đổi điện thoại với PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam về vấn đề này.

MC: Thưa PGS. TS TRẦN ĐẮC PHU, vì sao Covid-19 hiện nay chúng ta chưa coi là bệnh lưu hành mà vẫn là bệnh truyền nhiễm nhóm A, theo đề xuất của Bộ Y tế?

PGS. TS TRẦN ĐẮC PHU, Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam: Vâng như các bạn biết muốn coi một bệnh truyền nhiễm mà trở thành một bệnh lưu hành hay ta gọi là bệnh đặc hữu thì thứ nhất nó phải có sự lưu hành hàng năm. Tôi cho rằng dịch Covid-19 nó không mất đi mà nó vẫn tiếp tục lưu hành qua các năm. Thế nhưng mà con số lưu hành (với bệnh đặc hữu - PV) phải dự báo được nhưng thực tế Covid-19 chưa hề dự báo được khi số mắc càng tăng. Tổ chức Y tế và các nước đều thấy rằng diễn biến vẫn phức tạp và khó lường, đặc biệt nó xuất hiện chủng mới như thế nào, độc lực chủng mới ra sao, sự lây lan ra làm sao và sự vô hiệu hóa vaccine chúng ta đang sử dụng như thế nào. Điểm thứ 2 là nó vẫn là gánh nặng mà các quốc gia đều quan tâm, nó chưa thể như bệnh khác, đưa ra kế hoạch phòng chống hàng năm được. Nếu chúng ta chưa đưa ra dự đoán được mà nay chúng ta công bố thành bệnh đặc hữu mà mai nó quay trở lại thì chúng ta không thể nào kịp thời kích hoạt được các hoạt động, đặc biệt là cái dự phòng hiện nay nó sẽ bị buông trôi thả lỏng đi, ý thức phòng bệnh giảm đi.”

MC: Hiện nay virus SARS-CoV-2 vẫn liên tục biến đổi, khó xác định tính chất nguy hiểm. Vậy theo ông, việc tiêm nhắc lại mũi 3 và mũi 4 có tác dụng như thế nào với những biến chủng mới? 

PGS. TS TRẦN ĐẮC PHU, Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam: “Tôi nghĩ rằng tiêm mũi 3, mũi 4 là cần thiết vì vaccine phòng chống Covid-19 nó khác với các loại vaccine khác. Vì có những loại vaccine tiêm một mũi nó đạt được hiệu quả rất là lâu bền nhưng vaccine Covid-19 hiệu quả chưa cao. Cái thứ 2 là miễn dịch sau một thời gian nó giảm đi và vấn đề người ta tiêm nhắc lại là để kích thích hệ miễn dịch, tăng cường hệ miễn dịch lên. Và các bạn cũng biết rằng bệnh nhân nhiễm Covid rồi thì miễn dịch cũng không lâu bền, sau một thời gian cũng bị tái nhiễm. Nên tôi nghĩ rằng tiêm bổ sung, nhắc lại là cần thiết.”

Tiến Dũng