• 1785 lượt xem
  • 16:34 13/12/2022
  • Kinh tế

Chuyển đổi số quốc gia từ góc nhìn sản xuất

Chuyển đổi số là nhu cầu tất yếu đặt ra cho các doanh nghiệp và trong tất cả các lĩnh vực sản xuất của nền kinh tế. Hiện nay, chuyển đổi số ở nước ta mới chỉ đang tập trung vào lĩnh vực dịch vụ công và trong các cơ quan quản lý Nhà nước. Trong những năm còn lại của kế hoạch 5 năm, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo quá trình chuyển đổi số trong sản xuất.

Do đặc điểm sản xuất để phục vụ xuất khẩu, ngành dệt may có sự kết nối với các khách hàng nước ngoài có chuỗi cung ứng toàn cầu. Vì thế việc chuyển đổi số trở thành áp lực của các chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, tại Việt Nam, yêu cầu này đặt ra nhiều thách thức do ngành nghề này đã phát triển lâu năm với nhiều thế hệ công nghệ khác nhau.

Còn trong lĩnh vực vận tải, chi phí logistics của Việt Nam vẫn còn khá cao so với các quốc gia, như Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản và khối EU do hạn chế về kết cấu hạ tầng cảng biển gắn liền với dịch vụ sau cảng; công tác quy hoạch hạ tầng logistics chưa hiệu quả. Do đó, ứng dụng công nghệ số hóa là yêu cầu cần thiết để cắt giảm chi phí.

Các chuyên gia cho rằng, còn rất nhiều khó khăn, bất cập trong quá trình chuyển đổi số. Đó là vấn đề về nhân lực, chi phí cũng như thể chế.

Mặc dù chuyển đổi số ở nước ta đi sau các nước phát triển là bất lợi, nhưng nhìn ở mặt tích cực, theo các chuyên gia, cũng có lợi thế. Đó là việc thay đổi cấu trúc. Vấn đề mấu chốt là cần dốc sức, quyết liệt bằng mọi cách để thay đổi cấu trúc nhanh chóng. Có như vậy, chuyển đổi số mới có thể thành công.

Hằng Nga