Chương trình 60+: Luật Đất đai (sửa đổi) dưới góc nhìn người cao tuổi

Tại thời điểm này, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân và trở thành vấn đề rất được xã hội quan tâm; Chương trình 60+ hôm nay cũng vì thế sẽ dành thời lượng chính để bàn về chủ đề “Luật Đất đai (sửa đổi) thể chế hóa nhiều vấn đề mới” dưới góc nhìn người cao tuổi.

Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương đã thẳng thắn chỉ rõ những bất cập, tồn tại, trong công tác quản lý và sử dụng đất. Luật Đất đai và một số văn bản pháp luật có liên quan còn chồng chéo, chưa thống nhất, đồng bộ. Trong một số trường hợp, chính sách, pháp luật về đất đai chưa theo kịp sự thay đổi nhanh chóng của thực tiễn. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai 2013 hiện là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên, nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp. Trước khi lắng nghe những quan điểm, góp ý của người cao tuổi về những điểm đáng chú ý của dự thảo luật này, mời quý vị và các bạn theo dõi một phóng sự sau đây để thấy được những yêu cầu bức thiết đặt ra đối với việc sửa đổi Luật Đất đai năm 2013. 

NHỮNG BẤT CẬP VÀ HẠN CHẾ CỦA LUẬT ĐẤT ĐAI NĂM 2013

Trước đây, khu đất này từng là đất nông nghiệp của người dân thành phố Bắc Ninh. Sau khi thu hồi đất, UBND thành phố đã giao mảnh đất cho một doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để cải tạo, phân lô bán nền làm khu dân cư. Tuy nhiên sau thời gian dài thực hiện dự án, đến nay nó vẫn chỉ là bãi đất trống vì người dân không chấp nhận với mức giá đền bù mà doanh nghiệp đưa ra.

Ông NGUYỄN VĂN SÂM - Phường Phúc Xuyên, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh:Giá đất ở đây rơi vào từ 15 - 18 triệu/m2. Thu hồi và đền bù cho chúng tôi chưa đến 500 nghìn /m2, có 438 nghìn/m2. Cho nên, dân chúng tôi vô cùng bức xúc.”

Bức xúc là điều dễ hiểu bởi việc thu hồi đất đai có tác động lớn đến quyền và lợi ích hợp pháp của mỗi người dân. Trong Luật Đất đai 2013 có nêu 4 trường hợp bị thu hồi đất bao gồm: Thu hồi vì mục đích quốc phòng, an ninh; thu hồi để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, thu hồi do vi phạm pháp luật về đất đai, thu hồi do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe doạ tính mạng con người. Trong đó, việc thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng đang gây tranh cãi rất lớn bởi nó chưa cụ thể, trong nhiều trường hợp sẽ gây thiệt thòi cho người dân.

Người dân: “Cái Luật Đất đai 2013 họ chỉ nêu được cái ý rất chung chung tạo khe hở đấy để lách luật, mang danh nhà nước để áp giá theo giá địa phương phê duyệt. Nó không được công bằng, minh bạch, còn những ẩn khuất đằng sau.”

Luật sư NGUYỄN THỊ THANH BÌNH - Đoàn luật sư thành phố Hà Nội: “Có một đáng buồn là đơn giá bồi thường hiện nay rất thấp. Thế nhưng, sau khi thu hồi xong thì giá đất tăng lên chóng mặt. Và chính người dân bị thu hồi đất lại không có khả năng kinh tế để mua lại đất để ở và sống tại địa phương. Dẫn đến nhiều người bắt buộc chuyển đổi nghề nghiệp. Như chuyển đi làm công nhân hay đi các địa phương khác.”

Những năm qua các văn phòng luật sư trên địa bàn thành phố Hà Nội đã phải xử lý hàng trăm vụ khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến đất đai. Không chỉ vì Luật Đất đai 2013 có nhiều điểm chưa phù hợp với thực tiễn mà theo các chuyên gia, một số quy định của luật cũng chưa tương thích với Hiến pháp năm 2013 cũng một số luật khác.

GS.TS NGUYỄN ĐĂNG DUNG - Giảng viên khoa Luật, Đại học Tôn Đức Thắng: “Có thể thấy Luật Đất đai 2013 có nhiều điểm bất cập cần được sửa đổi, hoàn thiện để nâng cao hiệu quả trong sử dụng đất đai. Tạo cơ sở pháp lý nhằm bảo đảm quyền lợi cho người dân tránh tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong các chính sách pháp luật.”

Thực tế cho thấy, tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và vi phạm pháp luật về đất đai còn diễn biến phức tạp, tỷ lệ đơn, thư khiếu nại vẫn chiếm tỷ lệ cao hơn 60% trong tổng số đơn, thư gửi đến các cơ quan nhà nước. Nội dung khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực quản lý đất đai chủ yếu tập trung vào các quyết định hành chính về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Điều này cũng cho thấy, nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo của công dân là có cơ sở.

TRANH CHẤP, KHIẾU NẠI, TỐ CÁO VÀ VI PHẠM PHÁP LUẬT VỀ ĐẤT ĐAI CÒN DIỄN BIẾN PHỨC TẠP

Theo lịch tiếp công dân của các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà nội thì thứ 6 hàng tuần đại biểu Quốc hội của Đoàn sẽ tiếp công dân. Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội có 2 nơi tiếp công dân đó là địa điểm 34 Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm và 20 Hoàng Diệu, phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông. Đây là buổi tiếp công dân của đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ.  

Bà Trần Thị Kính và bà Nguyễn Thị Hà ở phường Mỗ Lao, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội: “Hôm nay, đến trụ sở tiếp công dân 20 Hoàng Diệu gặp đại biểu Quốc hội trình bày ý kiến, kiến nghị của mình về việc gia đình bà bị thu hồi đất để xây dựng dự án Khu đô thị Mỗ Lao, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội. Theo bà nguyên nhân chính của việc này là do địa phương xác định nguồn gốc đất của chưa đúng.”

Bà TRẦN THỊ KÍNH - Phường Mỗ Lao, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội: “Bây giờ việc bồi thường hỗ trợ và tái định cư và xác định nguồn gốc tái định cư xác định nguồn gốc đất của chúng tôi chưa phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai nên chúng tôi đến đây để xin được gặp đại biểu giúp đỡ chúng tôi để chúng tôi ổn định cuộc sống.”

Tại buổi tiếp công dân, hai bà đã được đại biểu giải thích về đường lối, chủ trương, chính sách và thực hiện quy hoạch của Nhà nước trong các mục tiêu như: an ninh quốc phòng, công trình phúc lợi xã hội, các dự án đầu tư phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Đồng thời, đại biểu cũng đã tiếp nhận đơn, thư của công dân để chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

Bà TRẦN THỊ KÍNH - Phường Mỗ Lao, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội: "Chúng tôi rất hài lòng rất cảm ơn đại biểu và cảm ơn tất cả các ông bà tiếp dân hôm nay và thư ký đoàn. Hôm nay chúng tôi đến đây đã được Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ đã tiếp chúng tôi và cả thư ký Đoàn cán bộ tiếp dân của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tiếp chúng tôi và lắng nghe chúng tôi trình bày vụ việc. Chúng tôi rất hài lòng của cách chức danh của đại biểu hôm nay. Mong muốn của chúng tôi là sau buổi tiếp dân ngày hôm nay thì vụ việc của chúng tôi được giải quyết triệt để để tôi ổn định cuộc sống."

Có mặt tại trụ sở tiếp công dân ngay từ đầu giờ sáng chúng tôi thấy rằng, hầu hết công dân đến trụ sở tiếp công dân gửi đơn, thư khiếu nại, tố cáo đều liên quan đến đến đất đai.

Ông TRƯƠNG XUÂN CỪ - Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi, đại biểu Quốc hội Đoàn thành phố Hà Nội: “Đúng như nhận định đánh giá của Đảng và nhà nước khiếu kiện về đất đai vẫn đang là đa số, phần đông và sáng nay chúng tôi tiếp 8 công dân chủ yếu khiếu nại về vấn đề đất đai. Đây là vấn đề rất là bức xúc và vấn đề rất lâu, rất dài có vấn đề đất đai đã gần 20 năm nay. Có vụ việc người ta đã  khiếu nại đề nghị gần 30 chục năm nay rồi cho nên đây là ta thấy rằng hết sức bức xúc trong toàn xã hội. Nghị quyết 18 của Trung ương 5 vừa rồi cũng phải xác định là cần tập trung sửa đổi Luật Đất đai để nó phù hợp với thực tiễn phát triển đất nước nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.”

Tại buổi tiếp công dân chúng tôi nhận thấy, một số công dân đến trụ sở tiếp công dân, gửi đơn, thư khiếu nại, tố cáo đến các vị đại biểu Quốc hội lại chưa hiểu đúng về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Đại biểu Quốc hội. Theo quy định tại Quy chế hoạt động của Đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội thì: Đoàn đại biểu Quốc hội có nhiệm vụ tổ chức việc tiếp công dân của Đại biểu Quốc hội, tiếp nhận, chuyển đơn, theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân mà Đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội đã chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết.

DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI) ĐÁP ỨNG YÊU CẦU THỰC TIỄN

Ngày 26/7 vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đăng tải lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và Cổng thông tin của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Dự thảo gồm 237 điều, trong đó giữ nguyên 48 điều; sửa đổi, bổ sung 153 điều; bổ sung mới 36 điều và bãi bỏ 8 điều. Bước đầu, dự thảo được đánh giá cao khi đã thể chế hóa các chính sách lớn trong Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương. Tuy nhiên Luật Đất đai là đạo luật có tác động lớn đến mọi lĩnh vực trong đời sống, xã hội, nhất là đối với các doanh nghiệp và người dân. Do vậy đòi hỏi cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, lấy ý kiến rộng rãi đảm bảo việc sửa đổi Luật Đất đai lần này hướng đến mục tiêu công bằng, dân chủ và văn minh.

Ngày 16/6/2022 Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 18 về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao". Việc ban hành Nghị quyết là vô cùng kịp thời và cần thiết trong bối cảnh kinh tế - xã hội có nhiều biến động, thay đổi từng ngày như hiện nay. Nghị quyết nhấn mạnh, mục tiêu cụ thể đến năm 2023 phải hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và một số luật liên quan. Đến năm 2030, hệ thống pháp luật về đất đai cơ bản được hoàn thiện đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. 

Vậy với vai trò là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu giúp Chính phủ thể chế hóa các quan điểm, mục tiêu chủ trương, giải pháp của Nghị quyết số 18 vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) như thế nào? Để tìm hiểu về nội dung phóng viên Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Bộ Tài nguyên và Môi trường. 

Mời quý vị và các bạn cùng theo dõi!

SỬA ĐỔI LUẬT ĐẤT ĐAI ĐÓNG GÓP QUAN TRỌNG VÀO TIẾN TRÌNH PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC

Mặc dù sửa Luật Đất đai là vấn đề khó nhất, phức tạp nhất nhưng đây lại là dự án luật được trông đợi nhất, quan trọng nhất. Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án luật rất lớn, hệ trọng, quy mô rộng, tác động sâu đến nhiều chủ thể, đối tượng, cơ quan, tổ chức. Cũng vì thế việc sửa đổi Luật Đất đai có chất lượng sẽ là một trong những đóng góp quan trọng của Quốc hội với tiến trình phát triển của đất nước. Cử tri cao tuổi hôm nay sẽ tiếp tục ghi nhận những ý kiến chia sẻ của người cao tuổi về sự quan tâm, kỳ vọng xoay quanh việc sửa đổi dự án luật rất rất quan trọng này.

Bà NGUYỄN THỊ THU HƯỜNG - Phó Trưởng ban Thường trực Hội Người cao tuổi quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội: “Luật Đất đai 2013, sau 10 năm tốc độ phát triển thì không còn phù hợp nữa do đó nhà nước quan tâm đến sửa đổi Luật Đất đai là rất cần thiết, người dân rất mong chờ những đổi mới luật đất đai sửa đổi phù hợp với người dân để người dân không băn khoăn, thứ hai nhà nước sẽ tránh được những thất thoát thổi giá để giá đất lên để làm cho rối loạn tình hình an sinh xã hội của người dân."

Ông HÀ DƯƠNG LÂN - Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội: “Đất cũng có thể được coi là một dạng hàng hóa thì phải bám sát với nhu cầu cung cầu thị trường đó là việc cần thiết. Khi khung giá đất trước đây mang tính chất chật hẹp thì đều phải sửa đổi để hài hòa giữa lợi ích của người dân doanh nghiệp và Nhà nước, đảm bảo làm sao khi thu hồi đất bồi thường cho một giá cả phù hợp sát với thị trường thì dẫn đến thì thu hồi nhanh, giải phóng mặt bằng hiệu quả thì các dự án không bị chậm tiến độ chậm về thời gian thì tránh được những hệ lụy.”

Ông PHẠM VĂN TỰU - Chủ tịch Hội Người cao tuổi Phường Kim Giang, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội: “Luật Đất đai được sửa đổi rất tốt cho những người làm nông nghiệp, họ rất vất vả. Nhiều người do hiểu biết về pháp luật hạn chế nên nhẹ nhàng chuyển quyền sử dụng đất mình được sử dụng 15 -20 năm, cuối cùng không còn gì trong tay. Cũng phải quản lý chặt chẽ mảng này để người lao động làm nông nghiệp vất vả có cuộc sống ổn định, người dân ổn định, tế bào xã hội khỏe thì xã hội mới khỏe, do đó cần sớm được ban hành điều chỉnh đến đời sống xã hội đảm bảo mọi mặt đời sống chính trị xã hội.”

Bà NGUYỄN THỊ HỒNG NHUNG - Trưởng ban đại diện hội người cao tuổi quận Cầu Giấy, Hà Nội: “Mong muốn bố trí chỗ tái định cư trước khi giải phóng mặt bằng thì nó sẽ phù hợp hơn, chứ hiện nay mình đã áp dụng cứ để họ đi đã thì mới thanh toán có nhà ở thì không phù hợp, rất là bức xúc trong nhân dân, có những nhà phải mấy tháng trời mới được giải phóng mặt bằng ,có những nơi mười mấy năm, do vậy người ta rất mong chờ tái định cư có nhà ở phù hợp”.

PHÒNG BỆNH SUY THẬN Ở NGƯỜI CAO TUỔI

Đến với Sổ tay người cao tuổi hôm nay, chúng tôi muốn đề cập đến căn bệnh suy thận ở người cao tuổi. Đây là một bệnh lý chỉ tình trạng suy giảm chức năng của thận. Ai cũng có thể mắc nhưng thường gặp ở người cao tuổi do thận bị lão hóa theo thời gian hoạt động lâu năm. Nhiều nghiên cứu y khoa chỉ ra rằng, tuổi càng cao thì kích thước của thận lại càng thu nhỏ lại do đó, nguy cơ mắc bệnh lại càng lớn. Đối với những người ngoài 50 tuổi càng cần phải được phát hiện và điều trị sớm để phòng tránh những biến chứng nguy hiểm.

Hơn 15 năm bị suy thận nên bà Đào Thị Đổng ở huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Phúc thường xuyên phải vào bệnh viện Thận Hà Nội để tái khám. Năm 2017, bà Đồng đã phải mổ sỏi thận một lần, từ đó chức năng thận của bà ngày càng bị suy giảm, chất lượng cuộc sống cũng bị ảnh hưởng theo

BÀ ĐÀO THỊ ĐỔNG - Huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc: “Chỉ số của tôi bây giờ là suy thận mạn, độ 2 thế thì điều chỉnh chế độ ăn rồi tất cả mọi thứ theo bác sỹ, cứ định kỳ mấy tháng tôi lại phải đi kiểm tra. Đợt này thì cũng lâu rồi không đi khám với cả thận nó có biểu hiện đau, mỏi, khó chịu, đi tiểu thì nước nó không được trong như bình thường. Người thì thỉnh thoảng hoa mắt, chóng váng.”

Bệnh suy thận do nhiều nguyên nhân gây lên nhưng ở người cao tuổi chủ yếu là do tình trạng thận bị lão hóa hoặc do một số bệnh lý nền tác động. Theo thống kê tại Bệnh viện thận Hà Nội mỗi ngày tiếp nhận từ 40 đến 50 bệnh nhân vào khám và điều trị, trong đó tỷ lệ người cao tuổi mắc bệnh suy thận chiếm khoảng 50%.

Bác sỹ LƯƠNG THỊ MINH PHƯƠNG - Phụ trách Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Thận Hà Nội: “Ở người cao tuổi thì thường có 2 cái biểu hiện đó là cái đi tiểu khó khăn ngoài ra ở giai đoạn muộn thì có triệu chứng là ngứa kéo dài, mệt mỏi, chán ăn, hoa mắt, chóng mặt, tăng huyết áp khó kiểm soát. Và người lớn tuổi thì ăn uống kém và chức năng hệ miễn dịch giảm thì cũng ảnh hưởng đến khả năng đào thải dẫn đến những triệu chứng bệnh lý về thận và tiếp đến là một nguyên nhân nữa là mắc các bệnh lý nền kèm theo như là tiểu đường, tăng huyết áp, đấy là một trong những bệnh lý gây nên tổn thương mạch máu trong cơ thể trong đó có mạch máu thận làm giảm độ lọc máu của thận.”

Ở giai đoạn đầu, bệnh suy thận rất khó phát hiện do bệnh diễn tiến âm thầm khiến phần lớn bệnh nhân đến viện trong giai đoạn nặng vì bị biến chứng. Lúc này, cuộc sống của bệnh nhân phụ thuộc rất lớn vào máy lọc thận. Trường hợp như bà Nguyễn Thị Mai, 75 tuổi bị suy thận giai đoạn cuối, mỗi tuần bà phải vào Bệnh viện này lọc máu từ 3 đến 4 lần.

Bà NGUYỄN THỊ MAI - Thành phố Hà Nội: “Tôi bị tiểu đường hơn 20 năm rồi nhung vừa rồi mất 1 tháng không ăn uống gì sau đó lên Bệnh viện Bạch Mai khám, lúc khám thì bác sỹ bảo bị suy thận rồi. Thế là bác sỹ bảo phải đi lọc máu, lọc máu được một tuần thì bác sỹ bảo về tìm bệnh viện nào gần nhà cho tiện. Thế thì tôi mới về đây.”

Bác sỹ TỐNG THỊ NGA - Khoa Nội Thận tiết niệu, Bệnh viện Thận Hà Nội: “Bệnh suy thận gây ra nhiều biến chứng, trong đó có một số biến chứng đặc biệt nghiêm trọng gây nguy hiểm đến tính mạng. Ví dụ như tăng huyết áp có thể gây tai biến mạch máu não, sốt huyết tiêu hóa. Bệnh nhân suy thận được chia thành 5 giai đoạn. Trong đó giai đoạn từ 1 đến 4 cần bảo tồn thì điều trị nội khoa như dùng thuốc, thay đổi lối sống cong khi mà tiến triển giai đoạn cuối thì phải điều trị thay thế thận bằng phương pháp lọc máu hay là ghép thận.”
 
Những bệnh lý về thận thường gặp hiện nay bao gồm: Suy thận, sỏi thận, viêm cầu thận, ung thư thận. Theo bác sỹ, mỗi một bệnh, để xác định đều phải dựa vào kết quả xét nghiệm và siêu âm vì vậy, người bệnh cần phải đến viện mới có thể được chẩn đoán chính xác.

Bác sỹ TỐNG THỊ NGA: "Khoa Nội Thận tiết niệu, Bệnh viện Thận Hà Nội: “Khi bệnh nhân nghi ngờ có các biểu hiện của thận thì cần phải kiểm tra máu, nước tiểu đặc biệt là các chỉ số thể hiện suy giảm chức năng thận như là Protein, ure máu. Thậm chí là phải chụp city để chuẩn đoán chính xác về nguyên nhân của bệnh suy thận.”

Theo kết quả điều tra của Tiết niệu- thận học Việt Nam, có đến hơn 50% bệnh nhân khi mắc bệnh thận ở giai đoạn đầu nhưng bệnh không phát hiện được, nhất là ở người cao tuổi thường có bệnh nền nên chỉ tình cờ đi khám mới biết. 

Vì vậy, để phòng bệnh hiệu quả, bác sỹ khuyên rằng người cao tuổi nên đi khám sức khỏe định kỳ một năm từ 2 đến 3 lần sàng lọc các bệnh liên quan đến thận. Qua đó điều trị sớm để ngăn ngừa biến chứng hoặc làm chậm sự phát triển của bệnh thận ở giai đoạn cuối.

"CÂY ĐẠI THỤ" GIỮA NÚI RỪNG BIÊN CƯƠNG 

Ở vùng cao, những già làng, trưởng bản, người có uy tín được ví như những cây đại thụ, toả bóng mát cho bả bản mường. Lời nói, uy tín của họ đã giúp cho đường lối, chủ trưởng của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến gần gũi với nhân dân hơn.  Ở huyện biên giới Sốp Cộp, cây đại thụ Giàng Chợ Sộng, 70 tuổi, dân tộc Mông là một già làng mẫu mực, có uy tín, được bà con trong bản kính trọng như thế. Và câu chuyện của ông Giàng Chợ Sộng trong mục tuổi cao gương sáng cũng sẽ khép lại chương trình 60+ của THQH hôm nay, cảm ơn quý vị và các bạn đã quan tâm theo dõi. 

Bản Pu Hao hiện có hơn 121 hộ dân, trên 700 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Mông cùng sinh sống. Trước đây, Pu Hao được biết đến là một bản khó khăn, đời sống của bà con trong bản chủ yếu dự vào sản xuất nông lâm nghiệp theo hướng tự cung, tự cấp, tỷ lệ hộ nghèo cao và vẫn còn nhiều hủ tục lạc hậu, tình hình an ninh trật tự phức tạp. 

Thực hiện Nghị quyết HĐND tỉnh Sơn La về việc triển khai xây dựng đường giao thông nông thôn, với phương châm" Nhà nước và nhân dân cùng làm", năm 2015 ông đã tuyên truyền, vận động nhân dân trong bản, đóng góp công sức, tiền của, hiến đất ở, đất canh tác, tường rào, cây cối….  để làm các tuyến đường bê tông trong bản. Riêng gia đình ông tự nguyện hiến trên 300 m2 đất, cùng nhiều cây ăn quả các loại .... Nhờ sự đồng thuận của nhân dân, hàng chục km đường giao thông nông thôn mới nội bản đã được bê tông hóa, mở đường giao thông vào khu sản xuất nương rẫy, thuận lợi cho việc đi lại.

Anh SỘNG A DÊ - Bản Pu Hao  xã Mường Lạn - Sốp Cộp - Sơn La: “Trước đây dân bản chưa mở đường vào khu sản xuất, đường nhỏ đường hẹp đi rất là khó khăn, đi xe máy nhiều chỗ còn phải đi bộ. Bây giờ đã mở được con đường này đi đến khu sản xuất, thuận lợi rất là nhiều.”

Trước kia cứ vào mùa khô đến, người dân bản Pu Hao phải đi bộ vài cây số đường rừng để gùi từng can nước ở các  khe núi về phục vụ sinh hoạt gia đình. Hiểu được nỗi vất vả này, Già làng cùng một số thanh niên khỏe mạnh trực tiếp vào rừng tìm kiếm các khe núi có nguồn nước sạch làm đường ống đưa dẫn nước về từng hộ gia đình.

Chị GIÀNG THỊ MỶ - Bản Pu Hao xã Mường Lạn - Sốp Cộp - Sơn La: “Trước kia khi chưa có nước về nhà nên rất vất vả. Bây giờ có nước sạch về tận nhà rồi, việc nấu cơm, giặt rũ, tắm rửa thuận lợi lắm không lo thiếu nước nữa.”

Người dân bản Pu Hao vẫn nhớ như in ký ức kinh hoàng về cơn lũ quét vào cuối tháng 8 năm 2018, đã làm  5 ngôi nhà của 4 hộ gia đình ở bản bị thiệt hại nặng, trong đó có 2 nhà bị cuốn trôi, đất đá vùi lấp hoàn toàn. Với tinh thần tương thân, tương ái “Lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều” Già làng đã ngày đêm túc trực, huy động nhân dân cùng tham ra di dời nhà cửa, tài sản đến nơi an toàn. Sau lũ, Già làng đã đến từng hộ gia đình có nhiều đất gặp gỡ, thuyết phục, giải thích để chia sẻ đất ở cho những hộ bị thiệt hại có đất để làm nhà.

Anh GIÀNG DẠ NÊNH - Bản Pu Hao xã Mường Lạn - Sốp Cộp - Sơn La: “Nhà nước đã hỗ trợ chúng tôi và sự giúp đỡ của bác Giàng Chợ Sộng, chúng tôi đã chuyển đến nơi ở mới yên tâm hơn và ổn định rồi.”

Từ bản Pu Hao tới cột mốc biên giới khoảng 2 km, chủ yếu là núi cao, vực sâu, rừng rậm... việc tuần tra rất khó khăn. Già làng Giàng Chợ Sộng  đã tự nguyện đăng ký với Bộ đội biên phòng để bảo vệ cột mốc, với mong muốn chia sẻ khó khăn với những chiến sĩ Biên phòng vì một suy nghĩ giản đơn “giữ cột mốc, cũng như giữ nhà mình vậy”.

“Trách nhiệm của bản thân tôi là phải động viên dân bản, phải bảo vệ đường biên, mốc giới cho tốt theo quy định của Nhà nước”.

Với những việc làm của ông không chỉ được nhân dân trong bản tin tưởng mà nhiều năm qua, ông Giàng Chợ Sộng luôn được các cấp, các ngành và cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận với nhiều giấy khen, bằng khen…

Ông TÒNG VĂN HOÀ - Bí thư  Đảng ủy xã Mường Lạn, Sốp Cộp - Sơn La: “Ông Giàng Chợ Sộng là người có uy tín lâu năm của xã Mường Lạn và cũng là một tấm gương điển hình rất là tiêu biểu trong các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương. Ông luôn làm tốt và phát huy vai trò người có uy tín của mình trong việc tuyên truyền, vận động bà con nhân dân chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.”

Già làng Giàng Chợ Sộng được người dân Mường Lạn ví như “cây đại thụ”, bởi đức độ, uy tín và những việc ông làm cho dân bản, cho quê hương. Ông là một điển hình tiêu biểu suốt đời học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, là hạt nhân trong các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương.




 


 

Lê Phương