Chương trình 60+: Hoàn thiện chính sách – tri ân người có công

Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022), Chương trình 60+ hôm nay (20/7) sẽ dành thời lượng chính để giúp quý vị và các bạn thấy được thời gian qua chính sách ưu đãi người có công với cách mạng luôn được Đảng và Nhà nước ta coi trọng, lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai trên thực tế. Đây là một chính sách đặc biệt thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.

Sau 75 năm thực hiện, các chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và gia đình người có công với cách mạng đã được nghiên cứu, bổ sung và điều chỉnh phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ. Đồng thời, qua các phóng sự trong chương trình hôm nay cũng một lần nữa khẳng định, việc tiếp tục hoàn thiện, bổ sung chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” của Đảng và Nhà nước ta. Và có thể thấy, nhiều năm qua, những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ngày càng tạo điều kiện thuận lợi để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân chăm lo tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần đối với người có công.

Ngày 09/12/2020, Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh số 02 về ưu đãi người có công với cách mạng (gọi tắt là Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng năm 2020) có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2021 với nhiều điểm mới hướng đến nâng cao chế độ ưu đãi và mở rộng đối tượng hưởng các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng. Sau hơn 1 năm thực hiện Pháp lệnh, chế độ ưu đãi người có công đã được xây dựng và thực hiện tương đối toàn diện và bao phủ… Đời sống người có công không ngừng được nâng lên.

Việc tiếp tục hoàn thiện, bổ sung chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” của Đảng và Nhà nước ta. Và mới đây tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, Luật thi đua khen thưởng (sửa đổi) đã được thông qua và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024. Một trong 8 điểm mới đáng chú ý của luật là đã Bổ sung hình thức khen thưởng kháng chiến “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang. Đây chính là sự ghi nhận, tôn vinh, khen thưởng xứng đáng cho những thành tích cũng như sự hy sinh, đóng góp của thanh niên xung phong cho sự nghiệp chung của dân tộc.

Để hiểu rõ hơn các chính sách cho người có công, mời quý khán giả cùng Truyền hình Quốc hội Việt Nam theo dõi nội dung cuộc trò chuyện với bà Phạm Thị Hải Chuyền, Nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Nguyên Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam trong chương trình 60+ “HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH – TRI ÂN NGƯỜI CÓ CÔNG”. 

Như Thảo