Chủ tịch Quốc hội: Xử lý triệt để chồng chéo giữa Thanh tra, Kiểm toán là "không khả thi"

Về việc phối hợp trong hoạt động thanh tra và việc xử lý chống chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, giữa Thanh tra và Kiểm toán Nhà nước, các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng đây là hai hoạt động khác nhau, việc khắc phục chồng chéo là do tổ chức thực hiện chứ không phải là do các quy định của pháp luật.

Nhấn mạnh, Thanh tra và Kiểm toán Nhà nước là hai cơ quan có chức năng và nhiệm vụ khác nhau, Kiểm toán Nhà nước là cơ quan kiểm tra tài chính, tài sản công, do Quốc hội thành lập hoạt động độc lập theo quy định của pháp luật, còn thanh tra để phát hiện, xử lý các vi phạm về pháp luật, do vậy, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng vấn đề ở đây là cơ chế phối hợp giữa hai bên trên cơ sở thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, không “lấn sân” của nhau. 

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: "Thanh tra là để phát hiện, xử lý vi phạm về pháp luật, không phải cứ kiểm toán làm rồi thì thanh tra thôi, hoặc thanh tra làm thì kiểm toán thôi, phạm vi khác, mục tiêu khác, đối tượng khác. Cho nên xử lý triệt để chồng chéo, trùng lặp là không khả thi, vấn đề là các cơ chế phối hợp để tránh được phiền hà, tránh được phiền toái cho các đối tượng thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Mỗi một cơ quan có chức năng, nhiệm vụ riêng, ta chỉ xử lý cơ chế phối hợp, xác định cho đúng chức năng nhiệm vụ, không làm “lấn sân” nhau.”

Giải trình về vấn đề này, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, cơ quan sẽ tiếp thu ý kiến của thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để tăng cường hiệu quả hoạt động thanh tra. 

Ông ĐOÀN HỒNG PHONG - Tổng Thanh tra Chính phủ: “Chúng tôi tiếp thu là nên bỏ ý “trường hợp thanh tra và kiểm toán không thống nhất được với nhau thì sẽ ngồi lại bàn với nhau là cơ quan nào chủ trì”. Đúng là thanh tra và kiểm toán có chức năng nhiệm vụ, công việc riêng theo chức năng nhiệm vụ mà đảm nhận. Hàm ý chồng chéo chỉ có một ý: Tức là trong việc chồng chéo, chỉ một nội dung đối với một đối tượng thanh tra hoặc kiểm toán, cùng một thời điểm thanh tra hoặc kiểm toán thì không được trùng. Ông này làm thì ông kia thôi.”

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, về tổ chức, chức năng và nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thanh tra theo cấp hành chính, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với thanh tra theo 3 cấp, cần bổ sung thêm chức năng phòng chống tiêu cực. Đây là nội dung Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng đã có chỉ đạo.

Về tổ chức, chức năng và nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thanh tra theo ngành, lĩnh vực gồm: Thanh tra Bộ, Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ và Thanh tra Sở. 

Phó Chủ tịch Quốc hội NGUYỄN KHẮC ĐỊNH: “Phải thể hiện rõ ranh giới phân định thẩm quyền giữa các cơ quan thanh tra với nhau, thể hiện trong luật và các văn bản hướng dẫn. Về hình thức thanh tra nhất trí có hai loại thanh tra, thanh tra theo kế hoạch và thanh tra đột xuất, được thiết kế trong dự án luật, nhưng cần phân biệt rõ hình thức thanh tra và hoạt động thanh tra.”

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị bổ sung xây dựng dữ liệu để phục vụ công tác thanh tra, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, xây dựng chuẩn mực thanh tra, đảm bảo thanh tra đúng pháp luật, công khai minh bạch. Đồng thời, làm rõ mối quan hệ thủ trưởng cơ quan với người ký kết luận thanh tra, đảm bảo đúng chức năng thẩm quyền.

Anh Đức