Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: "Căn bệnh trầm kha" gây lãng phí trong đầu tư công

Sáng 25/4, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến vào báo cáo tiết kiệm, chống lãng phí.

Đa số ý kiến nhận định, báo cáo cần nêu rõ những địa phương, đơn vị làm tốt, những nơi làm chưa tốt, đồng thời chỉ rõ những hạn chế, khuyết điểm, kể cả những vấn đề Chính phủ cần giải trình thêm. Đồng thời, cũng cần tập trung vào một số lĩnh vực quan trọng, bám sát vào chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Năm 2021, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, việc triển khai thực hiện quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 và các nghị quyết của Chính phủ đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng cho việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, kiểm soát và hạn chế được tác động của dịch bệnh Covid-19, đạt và vượt 7/12 chỉ tiêu chủ yếu; thu Ngân sách nhà nước vượt 16,4% dự toán. 

Tuy nhiên, việc ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết chưa được thực hiện triệt để, còn 3/77 văn bản chậm ban hành; một số văn bản quy phạm pháp luật của bộ, ngành, địa phương khi ban hành còn chưa đúng về nội dung, thẩm quyền; Việc tổ chức, triển khai thực hiện Luật Quản lý, sử dụng tài sản công ở một số bộ, ngành, địa phương còn chậm, chưa đầy đủ các nội dung theo quy định; Chất lượng lập, phân bổ kế hoạch và công tác chuẩn bị dự án đầu tư công một số nơi còn nhiều bất cập, mang tính hình thức, dẫn đến nhiều dự án được giao kế hoạch nhưng vẫn chưa thể triển khai thi công. 

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, đây là báo cáo bổ sung cho phần kinh tế - xã hội của Chính phủ sẽ thảo luận tại kỳ họp Quốc hội tới đây. Tuy nhiên, báo cáo cần nêu rõ nơi nào làm tốt, công tác nổi bật so với năm trước để động viên, đồng thời nêu cụ thể bộ ngành, địa phương nào còn lãng phí để tạo chuyển biến rõ nét thời gian tới. Báo cáo cần tập trung vào một số lĩnh vực quan trọng, bám sát vào chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: “Vì sao năm 2020 dịch bệnh diễn ra nhưng giải ngân 98%, mà năm 2021 chỉ giải ngân được 83% trong khi ODA có lúc còn chưa được đồng nào? Phân tán và dàn trải như thế nào trong lĩnh vực đầu tư công? Trong này có những dự án các đồng chí hoàn thành rồi mà không có vốn để trả là mất 7.000 - 8.000 tỷ đồng, có hay không? 

Vừa rồi không phân ra được chi tiết nguồn vốn là vì công tác chuẩn bị đầu tư, toàn đổ do thể chế có phải đâu! Trong này, Chính phủ cũng công nhận và có báo cáo thẩm tra. Đây là căn bệnh "trầm kha” các đồng chí ạ! 

Sắp tới đây, hàng loạt dự án đầu tư quan trọng quốc gia, báo cáo cần đưa các dự án quan trọng quốc gia vào. Sân bay Long Thành bây giờ như thế nào? Chậm tiến độ bao nhiêu? Giải ngân được bao nhiêu phần trăm; đường quốc lộ, đường cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 tiến độ chậm như thế nào? Lãng phí nguồn nhân lực như thế nào?”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng cho rằng, nếu không thay đổi vài con số, ngày tháng thì báo cáo vẫn giống như năm trước. Các báo cáo về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đều có chung một môtíp nên khi nghiên cứu để đánh giá về sự tiến bộ cũng như những hạn chế, bất cập, tồn tại và những khuyết điểm phát sinh của từng năm rất khó.

Phó Chủ tịch Quốc hội TRẦN QUANG PHƯƠNG: “Cần thay đổi cách viết báo cáo, hiện nay ta chỉ cần đánh giá vấn đề nổi lên, những tiến bộ năm 2020 và những khuyết điểm cũng chỉ nói những vấn đề nổi lên, cái cái tồn tại lâu nay là gì? Cái khuyết điểm mới là gì? Quan trọng là tìm nguyên nhân cốt lõi, truy trách nhiệm". 

Nhấn mạnh nhiều văn bản hướng dẫn quy định chi tiết về định mức, đơn giá, tiêu chuẩn, kỹ thuật thuộc lĩnh vực đầu tư, xây dựng cơ bản còn chậm và chưa sát thực tế, dẫn đến tình trạng lãng phí hoặc xảy ra vi phạm định mức, tiêu chuẩn, chế độ ở nhiều cơ quan, đơn vị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, cần đi sâu kiểm tra vấn đề thất thoát, lãng phí tại các công trình trọng điểm quốc gia và các công trình hạ tầng thuỷ lợi.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội TRẦN THANH MẪN: “Năm 2022, chúng ta nên đi sâu kiểm tra về thất thoát lãng phí trong xây dựng cơ bản, nhất là đối với các công trình giao thông trọng điểm. Đây là vấn đề mà chúng ta cần tập trung".

Việc xác định đơn giá đất liên quan trực tiếp đến tiến độ thực hiện các bước theo quy trình của các dự án trọng điểm hiện nay. Kiểm toán Nhà nước cho biết, điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là phương pháp xác định giá theo hướng dẫn tại các thông tư, nghị định không rõ ràng.

Ông DOÃN ANH THƠ, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước: “Kể cả hệ thống pháp luật về đất đai cũng như hệ thống văn bản hướng dẫn của Bộ Tài nguyên - Môi trường nếu thống kê các tỉnh triển khai được cái này thì không khó, nhưng kiểm toán vào thì cũng không thể đưa ra ý kiến về giá đất như thế nào để sát với giá thị trường".  

Ông HỒ ĐỨC PHỚC, Bộ trưởng Bộ Tài chính: "Nếu không thay đổi định mức đơn giá một cách kịp thời, đặc biệt là các loại vật liệu đầu vào tăng cao như thế này thì sẽ chậm tiến độ, và có khả năng không đạt mục tiêu 2023. Cho nên, đề nghị Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông chủ trì chỉ đạo, hướng dẫn UBND các tỉnh ra các thông báo giá hàng tháng một cách kịp thời để đảm bảo cho việc lập dự toán, hồ sơ mời thầu, thanh quyết toán”.

Tại phiên họp, Ủy ban thường vụ Quốc hội lưu ý, báo cáo cũng cần đánh giá về thực trạng, cải cách hành chính đang có dấu hiệu chững lại; Đồng thời làm rõ vấn đề thoái vốn, cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước, sắp xếp đơn vị công chưa có nhiều tiến triển, qua đó rà soát lại các vướng mắc, bất cập liên quan để tìm phương hướng tháo gỡ.

Quang Sỹ