Chủ tịch Quốc hội: Sắp xếp đơn vị hành chính có đảm bảo được mục tiêu nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước?

Trước những bất cập phát sinh trong qúa trình sắp xếp đơn vị hành chính, các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị cần phải làm rõ nguyên nhân của tồn tại, hạn chế như việc sắp xếp cán bộ dôi dư, sắp xếp sử dụng hiệu quả tài sản công dôi dư, chăm lo đời sống của người dân… để từ đó có những giải pháp thực hiện việc sắp xếp trong giai đoạn tới.

Theo báo cáo, sau đợt sắp xếp, đã giảm được 08 ĐVHC cấp huyện và 561 ĐVHC cấp xã. Giảm được 3.437 cơ quan ở cấp xã, 429 cơ quan ở cấp huyện.  Đã tiết kiệm chi ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2019 - 2021 trên 2.000 tỷ đồng. Kết quả sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã không chỉ góp phần tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách như chủ trương của Đảng đã đề ra mà hơn thế nữa, còn mở rộng không gian phát triển, tập trung được nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có của các địa phương để phát triển bền vững.

Đánh giá cao báo cáo giám sát của đoàn đã đảm bảo tính khoa học, chỉ ra được những nguyên nhân của tồn tại hạn chế, song Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề nghị đoàn giám sát, các Bộ ngành cần đánh giá hiệu lực hiệu quả của các cơ quan nhà nước, việc tinh giản biên chế.

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: "Mục tiêu cuối cùng là hiệu quả quản lý nhà nước, nâng cao năng lực như thế nào, sau khi sắp xếp thì các chỉ tiêu đo lường, đánh giá như thế nào trong thời gian vừa qua? (4 chỉ tiêu như PAPI, PAPA, INDEX, PCI cùng nhiều chỉ số khác, từ xã lên đến tỉnh, đến huyện), phục vụ người dân như thế nào, chỗ này tôi chưa thấy rõ lắm với những tỉnh miền núi, ví dụ như Cao Bằng, hay các thiết chế về văn hoá giáo dục có đáp ứng được yêu cầu của nhân dân không?"

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà quá trình sắp xếp các đơn vị hành chính đã có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhận được sự đồng tình ủng hộ của người dân. Tuy nhiên đây là việc làm chưa có tiền lệ, có áp lực về mặt thời gian nên trong quá trình thực hiện cũng gặp những phát sinh không mong muốn. Tuy nhiên các địa phương, bộ ngành đã nỗ lực để thực hiện tốt chủ trương này.

Bà PHẠM THỊ THANH TRÀ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ: "Chưa bao giờ quốc hội chỉ đạo và giám sát. Trong tất cả các kỳ họp đều bàn về việc này cũng đưa ra bàn nghị sự chính vì vậy các địa phương cơ sở cũng trách nhiệm rất cao, cho nên kết quả rất quan trọng, cũng là bài học cho sắp xếp trong giai đoạn tới."

Cùng với đó, các ý kiến cũng đề nghị Chính phủ các bộ ngành tiến hành rà soát các quy hoạch đã có; khẩn trương tổ chức lập, điều chỉnh quy hoạch đô thị, chương trình phát triển đô thị ở các ĐVHC đô thị hình thành do sáp nhập với ĐVHC nông thôn và bố trí nguồn lực, kinh phí hợp lý cho công tác này. Thực hiện đồng thời việc lập hoặc điều chỉnh quy hoạch đô thị với chương trình phát triển đô thị, bảo đảm kết nối và phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh của địa phương.

Thùy Linh