Chủ tịch Quốc hội làm việc với Đoàn giám sát việc thực hành, tiết kiệm chống lãng phí

Ngày 17/03, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã làm việc với Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” về kết quả bước đầu triển khai thực hiện kế hoạch giám sát. Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Trưởng Đoàn giám sát chủ trì hội nghị.

Báo cáo của các bộ, ngành, địa phương cho thấy về cơ bản nội dung, thông tin, số liệu không đầy đủ theo yêu cầu. Do đó, Đoàn giám sát đã tiếp tục có công văn gửi các bộ, ngành, địa phương yêu cầu khẩn trương gửi báo cáo và bổ sung nội dung, thông tin, số liệu; công văn gửi Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố Trung ương yêu cầu tập trung giám sát các nội dung theo đề cương và gửi báo cáo đúng thời gian quy định. 

Dự kiến, Đoàn giám sát cũng sẽ tổ chức khảo sát thực tế, làm việc với các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư; Tài nguyên và Môi trường; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giao thông – Vận tải; Y tế; Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước và 6 địa phương, gồm: Hà Nội, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Lâm Đồng, Long An. Nội dung khảo sát, làm việc tập trung vào: thực hiện các chỉ tiêu thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo Chương trình tổng thể của Chính phủ hằng năm và 5 năm và các chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí các bộ, ngành, địa phương; mua sắm, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, vốn, tài sản nhà nước; quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên. 

Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là lĩnh vực rất rộng, giám sát tối cao của Quốc hội về vấn đề này có ý nghĩa hết sức quan trọng, sát sườn. Lưu ý việc phải có cách tiếp cận tổng thể, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Đoàn giám sát cần xuất phát từ chủ trương của Đảng, Nghị quyết Trung ương 3 (Khóa 10), Kết luận số 10 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (Khóa 11) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. 

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: “Kết luận số 10 của Bộ Chính trị có nêu, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa được quan tâm đúng mức. Vậy giám sát lần này phải đánh giá xem công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã được quan tâm đúng mức hay chưa, cụ thể là thế nào, nếu chưa được quan tâm đúng mức thì phải chỉ ra được là ở cấp nào. Lãng phí trong các cơ quan nhà nước và trong xã hội còn rất nghiêm trọng, qua giám sát có chứng minh được nội hàm này không. Kết luận số 10 cũng nêu: Tham nhũng, lãng phí biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp, xảy ra trên diện rộng vẫn chưa được khắc phục, triệt để, có mặt còn diễn biến nghiêm trọng hơn… Giám sát phải nói được những việc lớn như vậy, minh họa bằng số liệu, thực trạng.” 

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, báo cáo giám sát tối cao của Quốc hội cần phải nêu được những vấn đề lớn trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng lãng phí, chỉ rõ được những hạn chế, tồn tại, bất cập trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đồng thời, đánh giá được tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về tiết kiệm, chống lãng phí.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, chuyên đề giám sát rất rộng, quan trọng, có ý nghĩa, góp phần quan trọng trong việc tiết kiệm nguồn lực quốc gia về nhân lực, vật lực, tài lực.

Ông BÙI VĂN CƯỜNG, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: “Những vấn đề liên quan đến đất đai, quản lý tài nguyên, khoáng sản, đầu tư, các nguồn lực khác…rất nhiều vấn đề cần tiếp tục đẩy mạnh thì mới có thể làm tốt hơn được. Tinh thần này phải được chỉ ra và phải có cách làm khác.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, trưởng Đoàn giám sát đề nghị Thường trực Đoàn Giám sát và Tổ giúp việc tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các đại biểu trong cuộc làm việc; hoàn chỉnh báo cáo bước đầu để báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 9; chuẩn bị các yêu cầu về tiêu chí, kế hoạch làm việc, nội dung giám sát cụ thể để từng bộ, ngành, địa phương báo cáo chi tiết.

Thượng tướng TRẦN QUANG PHƯƠNG: Phó Chủ tịch Quốc hội: “Rà soát đối với các Bộ, ngành: Tài chính, Tài nguyên - Môi trường, Xây dựng, Kế hoạch - Đầu tư, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ xem thử còn bộ, ngành nào nữa để cố gắng làm xong trong tháng 4 để có nội dung tổng quan. Trong đó, yêu cầu phải có báo cáo trước khi Đoàn giám sát làm việc trực tiếp với các bộ, ngành.”

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, Tổ giúp việc sẽ phối hợp với Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội chuẩn bị nội dung cho phiên họp tiếp theo của Đoàn giám sát, nhằm triển khai các kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, xác định nội dung trọng tâm và phương hướng giám sát cụ thể đối với từng bộ, ngành, địa phương; xác định lĩnh vực có dấu hiệu lãng phí, tham vấn, nhận diện các dấu hiệu này và chuẩn bị nội dung để làm việc cụ thể với từng bộ, ngành, địa phương./.

Thanh Nga