Chủ tịch Quốc hội giám sát 3 phiên tòa trực tuyến đầu tiên

"Hôm qua (8/1), chúng ta đã có 3 phiên tòa trực tuyến đầu tiên xét xử, có sự giám sát của Chủ tịch Quốc hội tại trung tâm điều hành và giám sát của Tòa án tối cao. Nhưng không dừng lại ở 3 địa phương, từ thành công của bước đi này, chúng ta phải nhân lên" - Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại Hội nghị Triển khai công tác Tòa án năm 2022.

Dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, Tòa án nhân dân tối cao đã khai mạc . Hội nghị diễn ra trong 2 ngày, 9 và 10/1, và được truyền hình trực tuyến đến hơn 800 điểm cầu của hệ thống Tòa án.

Theo Báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao, trong năm qua, công tác Tòa án được triển khai trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, biên chế giảm, yêu cầu nhiệm vụ đặt ra ngày càng cao nhưng các Tòa án đã nỗ lực hoàn thành cơ bản nhiệm vụ được giao. Tuy vậy, hoạt động của các Tòa án còn tồn tại một số hạn chế, thiếu sót như: tỷ lệ giải quyết các loại vụ việc và tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm chưa đạt chỉ tiêu đề ra; tỷ lệ các bản án, quyết định hành chính bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của Tòa án vẫn còn cao; vẫn còn để các vụ việc quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật do nguyên nhân chủ quan của Tòa án; chưa khắc phục triệt để việc bản án, quyết định tuyên không rõ; một số Tòa án còn chậm chuyển hồ sơ vụ việc theo yêu cầu của Viện kiểm sát và Tòa án… 

Để khắc phục những hạn chế, thiếu sót và nâng cao hiệu quả hoạt động, Tòa án nhân dân tối cao đề ra 06 nhóm giải pháp cần tập trung thực hiện trong thời gian tới. Đó là các nhóm giải pháp về lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành các Tòa án; xây dựng, hoàn thiện thể chế; tổ chức, cán bộ; tăng cường công khai, minh bạch và sự giám sát của nhân dân đối với Tòa án; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của Tòa án; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng, tổ chức có liên quan trong quá trình thực hiện các mặt công tác của Tòa án.

Ông Dương Văn Thăng - Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao: “…mục tiêu là nâng cao chất lượng xét xử, hoàn thành nhiệm vụ chính trị và các chỉ tiêu công tác cơ bản theo Nghị quyết của Quốc hội, xây dựng đội ngũ các cán bộ, công chức, nhất là các chức danh tư pháp liêm chính, chuyên nghiệp, và xây dựng tòa án trong sạch, vững mạnh, từng bước hoàn thiện, hiện đại, bảo vệ công lý, phục vụ nhân dân, phục vụ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa…”.

Tại hội nghị này, các Tòa án cũng quán triệt và thực hiện một số nội dung lớn khác như: tăng cường triển khai Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; đưa vào sử dụng một số ứng dụng công nghệ thông tin theo tinh thần Nghi quyết của Quốc hội; thực hiện việc Tổ chức phiên tòa trực tuyến; đưa vào sử dụng ứng dụng phần mềm trợ lý ảo đối với hệ thống Tòa án, hỗ trợ cho công tác xét xử. 

Ông Nguyễn Hòa Bình - Chánh án Tòa án nhân dân tối cao: “…Quốc hội đã có nghị quyết 33 cho phép chúng ta triển khai xét xử trực tuyến, lãnh đạo liên ngành Tòa án, Kiểm sát, Công an, Quân đội Tư pháp đã ký thông tư liên tịch và chúng ta có trách nhiệm phải triển khai hoạt động này. Ngày hôm qua chúng ta đã có 3 phiên tòa trực tuyến đầu tiên xét xử, có sự giám sát của Chủ tịch Quốc hội tại trung tâm điều hành và giám sát của Tòa án tối cao. Nhưng không dừng lại ở 3 địa phương, từ thành công của bước đi này, chúng ta phải nhân lên. Từ nay sẽ trở thành hoạt động thường xuyên của các cấp Tòa án…”.

Năm 2022, Tòa án các cấp phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu, yêu cầu của Quốc hội cũng như của Tòa án nhân dân, cụ thể bảo đảm 100% các vụ việc được giải quyết trong thời hạn luật định; giải quyết, xét xử đạt từ 90% trở lên đối với các vụ án hình sự; đạt từ 85% trở lên đối với các vụ, việc dân sự; đạt từ 65% trở lên đối với các vụ án hành chính; đạt từ 99% trở lên đối với các đề nghị xem xét, áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án; đạt từ 60% trở lên đối với các đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; Bảo đảm 100% các bản án, quyết định của Toà án được ban hành trong thời hạn luật định; Bảo đảm 100% quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự không bị hủy, sửa theo thủ tục giám đốc thẩm; Bảo đảm tổng số bản án, quyết định bị huỷ, sửa do nguyên nhân chủ quan không vượt quá 1,5% tổng số các loại án./.