Chủ động lên kế hoạch dự phòng và tối giản chi phí logistics, ứng phó với giá dầu biến động khó lường

Giá dầu thế giới điều chỉnh liên tục trong những ngày gần đây. Từ mức 100 USD/thùng, giá dầu Brent hôm nay còn 88 USD/thùng, dầu WTI còn 80 USD vào sáng 09/09. Tuy nhiên, mức giá này được dự báo là không duy trì lâu và sẽ còn tăng lên mốc 100 USD/thùng trong 6 tháng tới. Ứng phó với giá dầu như thế nào để đảm bảo cân đối vĩ mô trong nước?

 Đây là chủ đề của Tọa đàm do Báo Đầu tư tổ chức sáng nay.

Tính riêng chỉ trong hơn 10 ngày qua, giá xăng dầu thế giới có biến động mạnh. Từ mốc 100 USD/thùng, giá mặt hàng này điều chỉnh xuống còn 88 USD/thùng, dầu WTI còn 80 USD vào sáng 8/9. Các chuyên gia cho rằng, xu hướng giảm giá này chỉ là ngắn hạn.

Ông TRẦN ANH TUẤN, Giám đốc Trung tâm Phân tích, Công ty CP Chứng khoán Dầu khí (PSI): "Giá dầu biến động khó lường. Doanh nghiệp khá là vất vả trong đặt kế hoạch kinh doanh. Do đó, dự trữ hàng tồn kho và nên đặt kế hoạch cho năm 2023 với mức giá dầu cao như hiện tại để dự phòng cho hoạt động sản xuất kinh doanh".

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy giá xăng dầu tăng 10% sẽ khiến lạm phát tăng 0,36 điểm phần trăm và tăng trưởng kinh tế giảm 0,5 điểm phần trăm. Giá dầu ảnh hưởng tới giá các nguyên liệu đầu vào khác, trực tiếp tác động dây chuyền đến cả nền kinh tế, nhất là với những ngành như logistics, mặt hàng này đã cấu thành 30% chi phí giá thành của sản phẩm, dịch vụ.

Ông LÊ QUANG TRUNG, Phó Chủ tịch Hiệp hội Logistics Việt Nam (VLA) : “Các doanh nghiệp vận tải và logistics thuộc VLA đang nỗ lực điều chỉnh phương án về cung cấp dịch vụ cũng như tìm ra cac cách thức giảm chi phí khác bên cạnh chi phí về nguyên liệu ví dụ như mở rộng tuyến vận tải, tăng việc sử dụng hàm lượng công nghệ ở trong logistics".

Để đảm bảo cân đối, chủ động về nguồn dầu trong nước, các chuyên gia đề nghị, Việt Nam cần đảm bảo nguồn xăng dầu trong cung ứng trong nước bởi 2 nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, Dung Quất đã chiếm tới 72-80% nguồn dầu.

Ông KENYA MAEDA, Chuyên gia cao cấp Bộ phận Thương mại và Cung ứng dầu thô, Thị trường toàn cầu, Công ty Idemitsu Kosan: “Khả năng cung cấp các sản phẩm từ xăng dầu trong trung và dài hạn sẽ không thoả mãn được nhu cầu tăng trưởng. Để duy trì nguồn cung xăng dầu ổn định đối với khía cạnh an ninh năng lượng, cần phải thúc đẩy toàn bộ chuỗi cung ứng đối với các sản phẩm xăng dầu, từ thu mua các nguyên liệu đầu vào, sản xuất đến bán hàng và tiêu dùng.”

Ngoài việc đảm bảo nguồn cung ứng, các chuyên gia cho rằng: thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng sạch, xanh, nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam trước các cuộc khủng hoảng năng lượng có thể xảy đến trong tương lai.

Diệu Huyền - Anh Khoa