• 2333 lượt xem
  • 13:51 07/07/2022
  • Kinh tế

Chính sách phát triển kinh tế tuần hoàn - kinh nghiệm từ Nhật Bản

Chính phủ Việt Nam đã đưa ra các quy định cụ thể trong việc xây dựng và ban hành lộ trình thực hiện kinh tế tuần hoàn. Nhằm hỗ trợ cho hoạt động này, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam phối hợp với Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường tổ chức Hội thảo “Kinh nghiệm của Nhật Bản và gợi ý chính sách cho Việt Nam trong xây dựng lộ trình thực hiện kinh tế tuần hoàn".

Tại hội thảo, các chuyên gia Nhật Bản đã chia sẻ một số kinh nghiệm để thực thi nền kinh tế tuần hoàn. Một ví dụ là lối sống tiết kiệm hay còn gọi là Mottainai, có nghĩa là tôn trọng các tài nguyên, không lãng phí và sử dụng chúng với sự biết ơn. Ngày nay, truyền thống Mottainai góp phần không nhỏ vào sự phát triển bền vững và chính phủ Nhật Bản khuyến khích thiết lập một xã hội tuần hoàn vật chất một cách tốt lành.

Những kinh nghiệm trong thu gom và xử lý rác thải ở Nhật Bản cũng là một ví dụ điển hình của nền kinh tế tuần hòa mà Việt Nam có thể học hỏi.

Với kinh nghiệm về xây dựng nền kinh tế tuần hoàn của mình, Nhật Bản đã hỗ trợ Việt Nam với, dự án SATREPS nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường và tăng cường khả năng chế tạo các loại vật liệu mới từ phế thải xây dựng tái chế ở Việt Nam. Dự án đóng góp vào việc đạt được tỷ lệ tái chế chất thải rắn xây dựng là 60% đáp ứng chiến lược quốc gia của Việt Nam về quản lý chất thải rắn đến năm 2025 thông qua việc áp dụng các công nghệ và mô hình kinh doanh phát triển vào các doanh nghiệp tái chế thực tế.

Ông ICHIRO ADACHI, Cố vấn quản lý môi trường của JICA tại Bộ Tài nguyên & Môi trường: “Chúng tôi hiểu rằng Chính phủ Việt Nam nỗ lực thiết lập một xã hội kinh tế tuần hoàn. Tôi nghĩ từ quan điểm chuyên môn, đó là một chính sách rất tốt và là một hành động rất quan trọng. Dựa trên kinh nghiệm của Nhật Bản, đầu tiên điều quan trọng là phố biến chính sách đó tới từng người dân tại Việt Nam. Điều thứ 2 để đạt được một xã hội kinh tế tuần hoàn, việc tái chế là một điểm khởi đầu rất quan trọng. Ví dụ cần phân loại rác tại các hộ gia đình và thực hiện hoạt động tái chế trong xã hội là rất quan trọng. Trong trường hợp của Nhật Bản, để đạt được xã hội kinh tế tuần hoàn, hiện nay chính phủ Nhật Bản đang tập trung vào hành động tái chế.”

Các chuyên gia Nhật Bản đã đưa ra một số khuyến nghị cho Việt Nam như: cần tham vấn các bộ, ngành và các bên liên quan để thiết lập phạm vi áp dụng kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, kinh tế tuần hoàn có thể được áp dụng trong các lĩnh vực thông qua việc cân nhắc các tác động đến môi trường và xã hội, trong khi vẫn đảm bảo hài hòa với các chính sách và chiến lược quốc gia có liên quan. 

Vân Hương