Chính quyền cấp xã có đủ khả năng quản lý người bạo lực gia đình "thực hiện công việc phục vụ cộng đồng"?

Sáng 16/8, dưới dự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Báo cáo dự kiến tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Nhiều nội dung lớn của dự án luật đã được tiếp thu ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 3.

Trong đó có quy định đáng chú ý như: Hành vi bạo lực cũng được áp dụng đối với người đã ly hôn; thành viên gia đình là cha, mẹ, con riêng, anh, chị em của người đã ly hôn; người chung sống với nhau như vợ chồng và con của họ; người đã từng có quan hệ cha mẹ nuôi và con nuôi..

Một đề xuất mới tại dự thảo Luật này nhận được nhiều sự quan tâm của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi thảo luận là về việc bổ sung biện pháp “thực hiện công việc phục vụ cộng đồng” (Điều 33). Cơ bản nhất trí với nội dung này, bởi đã có nhiều nước áp dụng, tuy nhiên các đại biểu cũng đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động.

Các ý kiến cho rằng “thực hiện công việc phục vụ cộng đồng” là một chế tài có thể áp dụng đối với người có hành vi bạo lực gia đình, có thể hiệu quả hơn so với những biện pháp đã từng thực hiện theo quy định của luật hiện hành. Tuy nhiên khi biện pháp này giao cho chính quyền cấp xã bảo đảm thực hiện thì cần phải có sự đánh giá tác động.

Ông HOÀNG THANH TÙNG, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội: “Trong báo cáo có nói là đi chăm sóc cây xanh, dọn dẹp vệ sinh, sửa chữa một số công trình công cộng. Mặc dù chúng ta không nói là cưỡng bức lao động nhưng cũng có ý nghĩa là buộc người có hành vi bạo lực gia đình thực hiện thì tính khả thi của biện pháp này ở chính quyền cấp xã, chúng ta có cách thức triển khai như nào? … tôi suy nghĩ thấy rằng cũng phải đánh giá tính khả thi của nó, cách thức tổ chức của nó như thế nào để đảm bảo chính quyền cấp xã có thể tổ chức được công việc này. Tiếp tục đánh giá kỹ các quy định của công ước quốc tế để đảm bảo biện pháp như vậy không phải là biện pháp cưỡng bức lao động mà bị cấm theo quy định của các công ước quốc tế ILO mà chúng ta là thành viên”

Bên cạnh đó, việc quy định thời gian thực hiện công việc phục vụ cộng đồng mỗi lần không quá 24 giờ và không quá 8 giờ mỗi ngày cũng cần làm rõ.

Bà NGUYỄN THỊ THANH, Trưởng Ban Công tác đại biểu:Tôi đề nghị các đồng chí làm rõ là người có hành vi đó thì áp dụng bao nhiêu lần việc phục vụ cộng đồng mà mỗi lần không quá 24 giờ và không quá 8 giờ đối với hình thức này? Có quy định số lần hay không và nếu không thì lý do tại sao? Tức là lý lẽ cho việc mình có quy định cụ thể này thì mình cũng phải có lý lẽ cho việc vậy có hạn chế bao nhiêu lần không? Nếu hành vi đó thì bao nhiêu lần là thực hiện nhiệm vụ phục vụ cộng đồng, còn vượt quá thì lại chuyển sang hành vi khác? Cần quy định rõ trong Điều 33.”

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng, đây là một bước đột phá của dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Bước đầu khi lấy ý kiến ở xã đã nhận được sự ủng hộ nhiều của lãnh đạo cũng như người dân ở đơn vị cấp xã.

Bà NGUYỄN THÚY ANH, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội: Cách thiết kế của chúng tôi thì thiết kế theo hướng là một biện pháp mang tính chất tự quản tại cộng đồng nhiều hơn. Tất cả những việc trồng cây xanh, môi trường, những hoạt động được liệt kê ở trong Điều 33 theo các điều, khoản ở đây thì những hoạt động đấy là xuất phát từ nhu cầu của cộng đồng, sau 1 danh sách do cộng đồng quyết định. Chúng tôi bổ sung thêm là cộng đồng sẽ giám sát hoạt động này.”

Đánh giá cao tâm huyết, tìm tòi, trách nhiệm của Ban soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra về đề xuất bổ sung nội dung “thực hiện công việc phục vụ cộng đồng” vào dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, với vấn đề mới này cần phải nghiên cứu, đánh giá kỹ hơn tác động ở các khía cạnh.

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: “Một là, cần phải tiếp tục rà soát kỹ để đảm bảo quy định này tương thích với các điều ước quốc tế, nhất là Công ước 105 về xóa bỏ lao động cưỡng bức. Hai là, nên chăng cần phải có quy định về loại trừ, Ba là, về tính khả thi, quy định như thế nào để đảm bảo tính khả thi. Nên chăng nếu có thì như là một biện pháp bổ sung khi thấy cần thiết, ví dụ đang có đợt lao động tình nguyện gì ở dưới thì tham gia. Thành một chế tài mà như tòa tuyên thì tôi thấy thực hiện cũng khó. Xã lúc nào cũng có việc công ích đâu, phục vụ cộng đồng đâu. Vì là chính sách mới, cho nên phải nghiên cứu kỹ chỗ này.”

Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị biện pháp này cần tổ chức lấy ý kiến thêm đại biểu Quốc hội chuyên trách. Đồng thời, Ủy ban Xã hội phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, rà soát thêm, đánh giá tác động, tính tương thích với các điều luật khác, không vi phạm các điều ước quốc tế và đảm bảo tính khả thi.

Diệu Huyền