Chính phủ Pháp vượt qua 2 cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội

Ngày 20/3, Chính phủ Pháp đã vượt qua hai cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội, với số phiếu sít sao. Kết quả này đã mở đường để Dự luật cải cách hưu trí, ưu tiên nhiệm kỳ hàng đầu của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chính thức được thông qua tại Quốc hội.

THOÁT HIỂM TRONG GANG TẤC

Ngay từ 4 giờ chiều, các nghị sĩ đã bắt đầu tham gia cuộc tranh luận kéo dài 1 tiếng rưỡi để lôi kéo sự ủng hộ.

Cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm thứ nhất được thực hiện theo kiến nghị của nhóm nghị sĩ độc lập LIOT, sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron viện dẫn quyền đặc biệt trong hiến pháp để thông qua luật cải cách hưu trí mà không cần Hạ viện bỏ phiếu.

Trong khi cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm thứ haido đảng đối lập cực hữu “Tập hợp quốc gia” (NR) khởi xướng.

Ngay khi Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne tiến lên bục phát biểu, hàng loạt nghị sĩ đối lập đã đồng loạt đứng dậy, rời khỏi vị trí và di chuyển khỏi phòng họp.

Tại cuộc bỏ phiếu thứ nhất, với 278 nghị sĩ bỏ phiếu bất tín nhiệm, Chính phủ Pháp đã thoát hiểm trong gang tấc, khi phải cần tối thiểu 287 phiếu để kiến nghị được thông qua.

Chỉ cần thêm 9 phiếu ủng hộ nữa, Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne sẽ phải từ chức và Tổng thống Macron phải bổ nhiệm thủ tướng mới hoặc tổ chức bầu cử.

Cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm thứ hai nhận được ít ủng hộ hơn, với chỉ 94 nghị sĩ bỏ phiếu chống lại chính phủ.

CĂNG THẲNG CHƯA HẠ NHIỆT

Tuy nhiên, chính trường Pháp tiếp tục căng thẳng, khi hai chính đảng đối lập lớn nhất trong Quốc hội là đã kêu gọi Thủ tướng Elisabeth Borne từ chức khi uy tín ngày càng suy giảm.

Đảng cực tả “Nước Pháp bất khuất” thậm chí đã viện dẫn đến công cụ cuối cùng là trình lên Hội đồng Hiến Pháp kiến nghị tiến hành trưng cầu dân ý đối Dự luật cải cách hưu trí để ngăn cản dự luật này sớm được ban hành.

Ngay sau khi kết quả bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ được công bố, hàng loạt cuộc biểu tình tự phát đã nổ ra trên khắp nước Pháp, phản đối việc tăng tuổi nghỉ hưu.

Tại thủ đô Paris, người biểu tình đã dựng chướng ngại vật, đốt thùng rác, buộc lực lượng cảnh sát phải can thiệp bằng hơi cay và bắt giữ, thẩm vấn hơn 100 trường hợp.

Tình trạng quá khích tương tự cũng diễn ra tại các thành phố lớn khác như Bordeaux, Lille, Strasbourg, Lyon…

Theo các cuộc thăm dò dân ý mới nhất, uy tín của Tổng thống Emmanuel Macron và Thủ tướng Elisabeth Borne đã sụt giảm mạnh, chỉ trên dưới 28% và là mức thấp nhất ghi nhận được kể từ xảy ra cuộc khủng hoảng Phong trào Áo vàng diễn ra vào cuối năm 2018.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!