• 1177 lượt xem
  • 15:45 19/09/2022
  • Văn hóa

Chiêm ngưỡng kho mộc bản quý hiếm của Phật giáo tại Huế

Lần đầu tiên, nhiều mộc bản quý hiếm, có giá trị về Phật giáo Huế đã được giới thiệu đến công chúng và những người yêu văn hóa di sản. Nguồn tư liệu quý này đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ và Nghiên cứu thuộc Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế - một thiết chế hết sức đặc biệt vừa hình thành ở vùng đất cố đô.

Đây là bản khắc Kim Cang Bát nhã la mật kinh, có niên đại năm Chính Hòa thứ 19 (1698) dưới thừa chúa Nguyễn Phúc Chu. Bản khắc này được xem là một trong những bản khắc cổ xưa, có giá trị về Phật giáo của xứ Huế nói riêng và Việt Nam nói chung. Cùng với bản khắc này, hơn 800 bản khắc gỗ trên hơn 1.300 mặt khắc được quy tập từ các cổ tự, tổ đình danh tiếng xứ Huế như: Viên Thông, Báo Quốc.. đều được có mặt tại không gian này. Không chỉ nhiều về số lượng, kho mộc bản này còn đa dạng với các loại hình ván khắc khác nhau như: Kinh Phật, Luật, trước tác của các vị cao tăng xứ Thuận Hóa… Các mộc bản cũng được xác định là đa niên đại, từ cuối thế kỷ 17 đến nửa đầu thế kỷ 20.

Thượng tọa THÍCH KHÔNG NHIÊN – PGĐ điều hành Trung tâm Nghiên cứu và Lưu trữ Phật giáo VN tại Huế
“Tham khảo tất cả trung tâm lưu trữ để bảo quản nó trong điều kiện tương đối đạt chuẩn nhất. Hiện nay chúng tôi đã trang bị trong không gian cách ly tất cả khí hậu, côn trùng về mọi thứ, hệ thống điều hóa rồi PCCC, phòng chống mối mọt”

Nhà nghiên cứu PHẠM ĐỨC THÀNH DŨNG – Tỉnh Thừa Thiên Huế
“Năm 2015 khi chúng tôi khảo sát 13 địa điểm ở xứ Huế thì còn khoảng hơn 3.000 mộc bản. Như chúng ta biết với mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm thì người ta đã xây dựng hồ sơ được công nhận là di sản tư liệu thế giới. Thì mộc bản xứ Huế cũng hoàn toàn xứng đáng như vậy”

Cùng với không gian lưu trữ mộc bản là không gian lưu trữ gia đình hết sức đặc biệt. Đây là nơi đặt tủ sách do các gia đình phát tâm hiến tặng với hàng ngàn đầu sách, tạp chí quý liên quan đến triết học, Phật học, văn học và các ngành xã hội nhân văn trước năm 1975. Như tủ sách của gia đình ông Trần Phụ Trác ở thành phố Huế đã hiến tặng tủ sách cho trung tâm, với khối lượng sách đồ sộ hơn 1.800 đầu sách, trên 2.900 quyển, trong đó có nhiểu sách quý hiếm.

Thượng tọa THÍCH KHÔNG NHIÊN – PGĐ điều hành Trung tâm Nghiên cứu và Lưu trữ Phật giáo VN tại Huế
“Cũng rất kỳ vọng trung tâm sẽ trở thành địa chỉ văn hóa hết sức cần thiết và lãnh đạo quan tâm hỗ trợ để làm sao trung tâm này xứng tầm như một Trung tâm lưu trữ Phật giáo quốc gia tại Huế”

Trong tương lai, Trung tâm này sẽ lưu trữ các văn liệu, trước tác, kinh sách, pháp tượng, pháp khí, mộc bản, tư liệu ghi âm, ghi hình và tư liệu số hóa Phật giáo để phục vụ nghiên cứu Phật học nói chung và văn hóa Huế nói riêng.

Tiểu Bảo