Chia tay cây đại thụ của nền khoa học Việt Nam

Thông tin nhà khoa học Nguyễn Văn Hiệu qua đời để lại nỗi buồn sâu sắc với giới khoa học nói riêng và cử tri cả nước nói chung. Ông sinh năm 1938, là Giáo sư - Viện sĩ - Nhà giáo Nhân dân - Tiến sĩ Khoa học ngành Vật lý Lý thuyết và Vật lý Toán học xuất sắc của Việt Nam. Ông từng là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khoá VI, VII, VIII; và là đại biểu Quốc hội 21 năm liên tục.

Đây là hình ảnh đời thường của một nhà khoa học thuộc vào hàng đại thụ của Việt Nam. Nhắc đến một thế hệ vàng, nhắc đến giới tinh hoa, ta sẽ nhớ những con người như ông, dù tuổi tác đã cao mà chẳng khi nào thấy “vơi” năng lượng. Những hình ảnh lạc quan, sôi nổi gợi kí ức về thời thanh xuân đầy khát khao cống hiến. 

Năm 1960, khi đang là giảng viên Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông được cử đi làm nghiên cứu sinh tại Viện Nghiên cứu Hạt nhân DUBNA. Ông đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Khoa học khi chưa đầy 26 tuổi; và được ghi nhận là Giáo sư trẻ tuổi nhất trong lịch sử khoa học Việt Nam, khi được phong hàm ở tuổi 30. Ông là người Việt hiếm hoi được bầu là Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô (cũ). Năm 1969, Giáo sư Nguyễn Văn Hiệu về nước, đóng góp vai trò quan trọng cùng Giáo sư Trần Đại Nghĩa trong quá trình thành lập và xây dựng Viện Khoa học Việt Nam, nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. 

Giáo sư Trần Mạnh Tuấn - Nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam: Anh Hiệu rất quan tâm đến việc phát triển khoa học theo hướng kết hợp được khoa học với đào tạo, thứ hai là kết hợp ứng dụng được một số các ngành khoa học để phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội”.

Là đại biểu Quốc hội 21 năm liên tục, từ khoá IV đến khóa VIII, Giáo sư Nguyễn Văn Hiệu đã vận dụng tối đa vốn kiến thức khoa học dày dặn, để ứng dụng vào những công trình phục vụ đời sống dân sinh. Ông đã từng đứng lên bảo vệ ý kiến trước Quốc hội, góp một tiếng nói kiên định, đồng thuận với ý tưởng xây dựng đường dây 500 KV Bắc Nam - trong khi có rất nhiều ý kiến lo ngại, băn khoăn, không đồng tình với một kế hoạch quá lớn vào thời điểm đó. Ông còn là tác giả của Đề tài nghiên cứu cấu trúc địa chất, phục vụ công tác khai khẩn và rửa mặn cho vùng Đồng Tháp Mười, giúp nhân dân có điều kiện canh tác thuận lợi, không còn phải thụ động trông chờ vào cây lúa trời.

Giáo sư - Tiến sĩ Hồ Chín: “GS Hiệu giao cho tôi tổ chức nghiên cứu vùng đồng Tháp Mười. Chương trình đó triển khai từ năm 1980 đến 1987 là tương đối là hoàn thiện. Đấy là cái cơ sở khoa học đầu tiên để Chính phủ ra chỉ thị 74 CP năm 1988, để khai thác và phát triển vùng đồng Tháp Mười”.

Có thể kể thêm một công trình mang lại hiệu quả thiết thực cho đời sống của người dân, đó là Chương trình Thủy lợi Tứ giác Long Xuyên. Nơi đó từng là vùng nhiễm phèn nặng, với địa hình trũng và hoang hóa, mỗi mùa lũ về đều bị ngập sâu, nhưng đến mùa khô lại phải đối mặt với tình trạng hạn hán và bị xâm nhập mặn. Trong vai trò tham mưu về khoa học, Giáo sư Nguyễn Văn Hiệu đã sát cánh cùng cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, góp tâm sức không nhỏ trong Chương trình Thủy lợi Thoát lũ qua Biển Tây, mở ra bước đột phá để khai thác tiềm năng của vùng Tứ giác Long Xuyên, biến vùng đất hoang rộng lớn nhất nhì đồng bằng sông Cửu Long thành vựa lúa, giúp bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu lương thực.

Giáo sư - Viện sĩ - Tiến sĩ Khoa học - Nhà giáo Nhân dân NGUYỄN VĂN HIỆU (1938 - 2022): Là một nhà khoa học đã được nhân dân nuôi nấng, tạo mọi điều kiện cho để trở thành nhà khoa học như bây giờ, khi tiếp xúc với cử tri, tôi đã học được rất nhiều. Học được ở chỗ là dân đang cần gì, đất nước đang cần gì, và mình phải làm gì. Tôi đã quyết định chuyển hướng nghiên cứu, không tiếp tục nghiên cứu cái vấn đề mà mình đã làm ở Liên Xô nữa, chỉ dùng cái kinh nghiệm và cái kiến thức cơ bản thôi. Không phải là làm cái gì mình muốn, không phải làm cái gì mình đã có sẵn, mà phải làm cái gì mà người dân đang cần.

Từng là Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Chủ tịch Hội Vật lý Việt Nam, Chủ tịch Trung tâm Vật lý Lý thuyết châu Á - Thái Bình Dương, song Giáo sư - Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu không tự “đóng khung” mình trong những “tháp ngà” hàn lâm. Nhìn cách mà ông đến với cử tri và nhân dân, nhìn ông giữa trưa nắng đi khảo sát thực trạng môi trường ngoài bãi rác, lại nhớ một nhà khoa học luôn say sưa với những đề tài không bao giờ cạn. 

Ông là tác giả của 130 công trình nghiên cứu khoa học, trong đó có nhiều công trình được công bố trên các tạp chí chuyên ngành quốc tế. Bên cạnh đó, ông còn là một nhà giáo dục đúng nghĩa, đã có những đóng góp thiết thực cho ngành Giáo dục nước nhà; là người thày dìu dắt, đào tạo nên nhiều lứa trí thức khoa học cho đất nước; là vị Hiệu trưởng sáng lập Trường Đại học Khoa học & Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội. 

Suốt cuộc đời tận tụy cống hiến cho khoa học, Giáo sư - Viện sĩ - Tiến sĩ Khoa học - Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Văn Hiệu đã được Nhà nước Liên Xô trao tặng Giải thưởng Lê-nin về Khoa học Kỹ thuật; được Nhà nước Việt Nam trao giải thưởng Hồ Chí Minh và Huân chương Độc lập hạng Nhất. Ông thực sự là một cây đại thụ của nền khoa học Việt Nam. 

Thiện Đoan