Chậm đầu tư công: Quốc hội đề nghị Chính phủ làm tốt khâu chuẩn bị đầu tư

Tình trạng giải ngân đầu tư công chậm là do việc chuẩn bị đầu tư, phân bố vốn còn nhiều bất cập, nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ cần rà soát kỹ lưỡng, khắc phục hạn chế trong tổ chức thực hiện.

Đây là nội dung thảo luận trong phiên làm việc sáng 19/01 trong chương trình phiên họp thứ 7, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về bổ sung kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài từ số vốn chưa phân bổ và điều chỉnh, dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025, cho danh mục dự án của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương (đợt 2)

Vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn (đợt 2) được phân bổ gồm 340 dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư với số vốn từ nguồn ngân sách trung ương là trên 88.000 tỉ đồng, 330 dự án được Chính phủ báo cáo Quốc hội đã hoàn thiện thủ tục đầu tư; 10 dự án chưa được báo cáo Quốc hội và 11 dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư; cùng các dự án từ nguồn ngoài ngân sách trung ương.

Thẳng thắn chỉ ra thực trạng chậm trễ trong việc phân bổ, bố trí và giải ngân vốn đầu tư công, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng muốn phân bổ, giải ngân vốn tốt, phải làm tốt khâu chuẩn bị đầu tư.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Suy cho cùng, chúng ta giải ngân không được hoặc chậm là do công tác chuẩn bị đầu tư chậm, như hai chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, đã hết một năm rồi chúng ta chưa chuẩn bị gì cả. Nhiều dự án khi trình Quốc hội có danh mục thế thôi chưa có công tác chuẩn bị đầu tư như thế nào. Chúng ta cứ lặp đi lặp lại mãi cái bài toán phân bổ chậm rồi giải ngân chậm, chưa phân bổ lấy đâu ra giải ngân mà chưa chuẩn bị thì lấy đâu ra mà phân bổ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng nhiều ý kiến được nêu ra như vướng mắc thể chế nên yêu cầu sửa đổi hay kiến nghị có cơ chế thí điểm, nhưng cần nhìn vào khâu tổ chức thực hiện, cách tổ chức giám sát. Đề nghị Chính phủ cần báo cáo thêm một số dự án dở dang, dự án thay đổi danh mục, tránh sự phân tán, dàn trải, manh mún. Phân bổ vốn cần được làm kỹ lưỡng, điều hòa linh hoạt giữa hai gói đầu tư công trung hạn và gói tài khóa tiền tệ.

Phó Chủ tịch thường trực Trần Thanh Mẫn cũng đề nghị Chính phủ cần rà soát kỹ danh mục đầu tư, đảm bảo bố trí vốn tập trung, quan điểm là không dàn trải. 

Phó Chủ tịch thường trực Trần Thanh Mẫn: Cần hài hòa việc phân bổ vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn với chương trình phục hồi, đẩy nhanh tiến độ giải ngân dự án, sớm phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội, tạo cái chuyển động để xã hội trông thấy gói tài khóa, tiền tệ để phục hồi phát triển kinh tế. 

Giải trình các nội dung trên, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Trần Quốc Phương cho biết nhóm dự án có thể sử dụng vốn từ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế 2022-2023 là những dự án đã đủ thủ tục đầu tư và được giao kế hoạch đầu tư công trung hạn. Các dự án này sẽ được rà soát tại các bộ, ngành, địa phương để đăng ký bổ sung dự toán 2022-2023 và sẽ giải ngân trước. Thứ trưởng Trần Quốc Phương cũng cho biết nguyên nhân giải ngân chậm là từ lập kế hoạch, chuẩn bị đầu tư, đấu thầu. Do đó, sẽ tiếp tục đôn đốc thủ tục đầu tư các dự án còn lại, đảm bảo tiến độ công tác chuẩn bị đầu tư, gắn với giám sát chặt chẽ thực hiện.

Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Để tiếp tục giám sát với các bộ, ngành và địa phương nếu thay đổi dự án sẽ không được tăng hay chia nhỏ dự án vượt số Thủ tướng và Chính phủ đã chỉ đạo.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng nhìn nhận giải ngân đầu tư công chậm là vấn đề nhức nhối, dù đã bàn bạc và thảo luận nhiều năm nhưng chưa đẩy nhanh được. Nguyên nhân là do khâu chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng, tổ chức thực hiện. Phó Thủ tướng khẳng định sẽ phối hợp linh hoạt giữa vốn đầu tư công trung hạn và chương trình phục hồi kinh tế, khi thực hiện sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội từng dự án nằm trong các chương trình đầu tư công trung hạn, hay chương trình phục hồi kinh tế để thực hiện giải ngân hiệu quả.

Ông Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Chính phủ: “Khi phân bổ để cho rõ ràng để sau này chúng ta kiểm tra kiểm soát thì phân bổ theo những gì mình đã báo cáo với Quốc hội nhưng khi giải ngân thì sẽ báo cáo lại Ủy ban thường vụ Quốc hội rất là cụ thể trong chương trình điều phối. Về nguyên tắc thì số dự án trong giai đoạn kế hoạch đầu tư công trung hạn thì phân bổ cho giai đoạn sau không vượt quá 20%”. 

Sau khi thảo luận, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt đã biểu quyết tán thành chủ trương bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn nước ngoài giai đoạn 2021-2025 từ số vốn chưa phân bổ; Tiếp tục phân bổ vốn giai đoạn 2021-2025 cho các dự án đã đủ thủ tục đầu tư theo quy định và điều chỉnh vốn hợp lý giữa các dự án để tăng cường hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải: Giao Chính phủ chịu trách nhiệm hoàn thiện danh mục, phân bổ vốn chi tiết cho các dự án tuân thủ đúng quy định theo luật đầu tư công, các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội và nghị quyết số 43 sớm báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến, khẩn trương phân bổ cho các chương trình mục tiêu quốc gia trong quý I năm 2022 và tập trung trước hết phải xác định đối tượng, tiêu chí định mức phân bổ để có cơ sở phân bổ nguồn vốn của các chương trình này.

Uỷ ban thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương và địa phương khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án, báo cáo Uỷ ban thường vụ Quốc hộ cho ý kiến để phân bổ hết số vốn còn lại theo đúng quy định. Đồng thời, điều hòa, phối hợp chặt chẽ với nguồn lực dành cho Chương trình phục hồi ưu tiên cho dự án trọng điểm có tính lan toả, liên kết vùng, hấp thụ vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân, sớm phát huy hiệu quả kinh tế, xã hội./.

Thanh Nga