Câu hỏi về tiêu chuẩn xây dựng sau động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ

Hiện số người thiệt mạng ước tính đã lên tới gần 30000 người. Liên Hợp Quốc đã gọi đây là thảm hoạ tồi tệ nhất trong hơn 100 năm qua tại khu vực này.

TRẬN ĐỘNG ĐẤT "TỒI TỆ NHẤT" TRONG VÒNG 100 NĂM

Những thi thể được đặt sơ sài trong túi xác, được xếp dọc theo hàng trong những ngôi mộ nông. Thủ tục hậu sự diễn ra nhanh chóng. Lác đác người thân của nạn nhân có mặt. Nhiều người còn không có ai đưa tiễn. Những hình ảnh này nói lên sự thảm khốc của trận động đất hôm 6/2 vừa qua.

Trong chuyến thị sát tới Thổ Nhĩ Kỳ, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc phụ trách vấn đề nhân đạo Martin Griffiths (mác tin gri-fith) bày tỏ lo ngại rằng, con số thương vong sẽ còn tiếp tục tăng cao.

Ông MARTIN GRIFFITHS, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc: “Những gì đã xảy ra ở đây vào ngày 6.2, tâm chấn của trận động đất, là sự kiện tồi tệ nhất trong một trăm năm ở khu vực này. Chúng tôi có một kế hoạch rõ ràng vào ngày mai hoặc ngày hôm sau để đưa ra lời kêu gọi cho một chiến dịch kéo dài ba tháng để giúp đỡ người dân Thổ Nhĩ Kỳ và chúng tôi có một hoạt động tương tự cho người dân Syria."

CÂU HỎI VỀ TIÊU CHUẨN XÂY DỰNG

Phần lớn trong số các nạn nhân thiệt mạng trong trận động đất là do bị chôn vùi khi nhà đổ sập. Từ sau vụ động đất năm 1999, Thổ Nhĩ Kỳ đã đề ra nhiều quy định về xây dựng để giảm thiểu thiệt hại do động đất. Tuy nhiên, việc áp dụng các quy định bị đặt dấu hỏi lớn khi có tới hơn 12000 toà nhà bị phá huỷ trong thảm hoạ lần này.

MUSTAFA ERDIK, Giáo sư tại Đại học Bogazici ở Istanbul: “Trận động đất quá dữ dội, nên thiệt hại là không tránh khỏi, song lẽ ra tình hình không đến mức tồi tệ như hiện nay. Ngay cả khi một tòa nhà bị đổ, người dân vẫn có những không gian nhất định để ẩn nấp chờ đợi đội cứu hộ. Nhưng trong trận động đất lần này, các tòa nhà đều "sập xuống như giấy".

Theo chuyên gia này việc các tầng trong tòa nhà sập đè lên nhau đồng nghĩa khả năng tìm thấy người sống dưới đống đổ nát là rất mong manh.

Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang bắt đầu cuộc điều tra về tình trạng chất lượng kém của các công trình xây dựng. Hãng thông tấn Anadolu cho biết Bộ Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ đã thành lập hẳn một đơn vị điều tra những sai phạm dẫn đến hàng loạt thiệt hại trong động đất. Ngày 11/2, nhà chức trách nước này đã bắt giữ hơn 100 nhà thầu tại khắp 10 tỉnh chịu thảm họa. Những nhà thầu này bị quy trách nhiệm trong việc xây dựng một số tòa nhà mà không tuân thủ các quy tắc hiện hành về phòng chống động đất, khiến chúng dễ dàng bị đổ sập trong động đất. Nhiều người hy vọng sau trận động đất này, công tác giám sát xây dựng sẽ được cải thiện. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cam kết sẽ tái thiết khu vực chịu ảnh hưởng từ trận động đất trong vòng một năm.