Câu chuyện về Nghị viện Đức - Trái tim của nền dân chủ

Từng là một quốc gia bị chia cắt, kinh tế hoàn toàn sụp đổ sau chiến tranh thế giới thứ 2, Cộng hòa liên bang Đức đã vươn lên mạnh mẽ, thống nhất hòa bình, trở thành nền kinh tế hùng mạnh nhất Châu Âu và là thành viên chủ chốt của Liên minh Châu Âu (EU). Một trong những yếu tố quan trọng làm nên thành công này là một chế độ chính trị vững mạnh.

Như đa số các nước trên thế giới, mô hình nhà nước Đức theo thể chế nghị viện - liên bang. Trong thể chế nghị viện, quyền lực của nhân dân được đại diện bởi nghị viện, gồm các thành viên được dân bầu thông qua lá phiếu của mình. Có hai dạng nghị viện: Một nghị viện liên bang gồm hai viện và các nghị viện tiểu bang chỉ có một viện. Thể chế liên bang của Đức phân quyền rõ rệt giữa chính quyền liên bang và chính quyền tiểu bang. Mỗi tiểu bang có một nghị viện và chính quyền riêng chịu trách nhiệm điều hành các hoạt động trong phạm vi của bang. Với dân số hơn 82 triệu người, nước Đức được chia thành 16 tiểu bang.

Chính quyền liên bang được chia làm ba nhánh riêng biệt: lập pháp, hành pháp, và tư pháp. Cơ quan lập pháp là nghị viện, nghị viện gồm hai viện riêng biệt: Hạ viện (Bundestag) và Thượng viện (Bundesrat). Trong đó, Hạ viện là cơ quan quyền lực nhất trong thể chế nghị viện – liên bang của Đức, nắm giữ nhiều quyền quan trọng ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp lên toàn bộ hoạt động chính trị của quốc gia.

BUNDESTAG – TRÁI TIM CỦA NỀN DÂN CHỦ ĐỨC

Phòng họp toàn thể tại tòa nhà Reichstag (tòa nhà của Hạ viện Đức) là nơi diễn ra những cuộc tranh luận chính trị quan trọng nhất ở Đức như quá  trình làm luật, bầu chọn thủ tướng liên bang, tuyên thệ nhậm chức của các bộ trưởng hay các hoạt động chất vấn chính phủ. Người dân có cơ hội được quan sát các phiên họp toàn thể một cách trực tiếp với tư cách là khách tham quan.

“Tôi là Brigitte Rubble, một trong 60 người giúp việc (usher) tại Hạ viện Đức, hay mọi người thường gọi chúng tôi với chức danh chính thức là ”tiếp viên toàn thể". Chúng tôi là những người hỗ trợ thầm lặng, nhằm đảm bảo cho các kỳ họp toàn thể diễn ra trơn tru. Chiếc áo khoác này là biểu tượng của chúng tôi, nó không chỉ là một bộ đồng phục. Nó còn phản ánh phẩm giá của Hạ viện Đức". 

Công việc của hạ viện chủ yếu diễn ra vào những tuần họp, từ thứ 2 đến thứ 6 đều có lịch trình cố định. Vào thời gian không diễn ra kỳ họp, các nghị sĩ chủ yếu làm việc tại các khu vực bầu cử của mình.

Nhiệm vụ chính của Bundestag (hạ viện) là thông qua các đạo luật, giám sát hoạt động của chính phủ và thông qua ngân sách liên bang. Bundestag góp phần vào việc xác định chương trình làm việc của từng bộ trong chính phủ. Các nghị sĩ được bầu đại diện cho mọi cử tri Đức. 

Với những lá phiếu của mình, cử tri sẽ quyết định những người lãnh đạo đất nước và xã hội Đức sẽ hoạt động theo quy tắc nào.

Những phiên tranh luận toàn thể thường rất sôi nổi và phản ánh những góc nhìn khác nhau về mọi vấn đề của nước Đức.

Chủ tịch Hạ viện là người đại diện của hạ viện – cơ quan lập pháp. Một trong những nhiệm vụ quan trọng và được biết đến nhiều nhất của Chủ tịch Hạ viện là chủ trì các phiên họp toàn thể. Đội ngũ giúp việc cho Chủ tịch bao gồm các Phó chủ tịch. Chủ tịch Hạ viện là những người được bầu trong thời gian 1 nhiệm kỳ. Cùng với các Phó chủ tịch, họ tạo thành Đoàn Chủ tịch của Hạ viện Đức.

Đoàn Chủ tịch thường xuyên nhóm họp để thảo luận về những vấn đề liên quan đến việc quản lý hạ viện. Trong những cuộc họp này, Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Hạ viện phải đảm bảo rằng quy trình nghị sự được tuân thủ. 

Ngoài ra, Chủ tịch Hạ viện còn được hỗ trợ bởi Hội đồng Bô lão. Hội đồng này bao gồm 23 thành viên. Họ không cần phải là những người lớn tuổi nhất, nhưng thông thường đều là những người có kinh nghiệm chính trường lão luyện nhất. Hội đồng Bô lão đóng vai trò rất quan trọng trong các phiên họp toàn thể. Chẳng hạn như, họ lên kế hoạch cho các tuần họp, sau đó thông qua chương trình nghị sự của các phiên toàn thể.

Hội đồng Bô lão là một diễn đàn nơi các cuộc tranh luận được bàn thảo nhằm tìm ra hướng giải quyết phù hợp nhất. 

Từ đây, bạn có thể quan sát phòng họp toàn thể một cách tốt nhất. Các thành viên hạ viện ngồi ở phía trước, và được phân chia theo các nhóm nghị sĩ.

Các thành viên từ một chính đảng cụ thể hay từ liên đảng CDU/CSU đến những chính đảng liên quan đều có thể thành một nhóm nghị sĩ. Tại đây, các thành viên sẽ thống nhất những quan điểm chính trị khác nhau, sau đó trình bày chúng trong các cuộc tranh luận tại hạ viện.

Những cuộc họp của các nhóm nghị sĩ thường diễn ra vào đầu tuần họp hạ viện, sau đó, các nhóm sẽ xác định mục tiêu và chiến lược của mình vào những tuần tiếp theo. Hầu hết các thành viên của hạ viện đều có văn phòng riêng tại tòa nhà Jakob Kaiser, nằm ngay bên phải tòa nhà Reichstag.

Jakob Kaiser là cựu lãnh đạo Liên minh Lao động Kito giáo trong cuộc chiến chống lại Hitler và là một trong những người soạn thảo Hiến pháp Đức tại Hội đồng Nghị viện từ năm 1948-1949. Mỗi nghị sĩ đều có những trợ lý, giúp đỡ họ hoàn thành các nhiệm vụ.

Việc bố trí các văn phòng sẽ được thay đổi sau mỗi cuộc tổng tuyển cử, phụ thuộc vào kết quả bầu cử, các nhóm nghị sĩ sẽ được sử dụng nhiều hoặc ít văn phòng hơn. Những đường hầm kết nối trong tòa nhà Reichstag giúp việc đi lại trở nên dễ dàng nhờ quãng đường được rút ngắn.

Mọi người thường nghĩ, chúng tôi có mặt ở đây chỉ để phục vụ nước uống. Nhưng đó chỉ là nhiệm vụ tối thiểu của chúng tôi. Trong những phiên họp toàn thể, chúng tôi có nhiệm vụ chuyển tài liệu cho các nghị sĩ. Ngoài trừ các nghị sĩ, chỉ có những người giúp việc mới được phép tiếp cận phòng họp toàn thể. Chính vì vậy, chúng tôi đóng vai trò quan trọng nhất trong việc kết nối với bên ngoài.

Tòa nhà văn phòng thứ 2 của hạ viện Đức là tòa Paul Lobe – đây là nơi đặt trụ sở của 24 ủy ban thường trực của Hạ viện Đức. 

Paul Lobe là thành viên của Nghị viện lập hiến Quốc gia vào năm 1919 và là Chủ tịch của Reichstag từ năm 1920 đến 1932. Là một thành viên của Hội đồng Nghị sĩ, ông là một trong những vị cha đẻ của Hiến pháp Đức.

Mặt tiền bằng kính ở lối vào chính - là biểu tượng cho sự minh bạch chính trị của Hạ viện Đức. Gần 1.000 văn phòng và hơn 20 phòng ủy ban được bố trí trên 8 tầng của tòa nhà.

Những công việc cụ thể đều được các thành viên thực hiện tại đây. Đây là nơi mọi hoạt động của Hạ viện Đức được thể hiện rõ nét nhất, là nơi các nghị sĩ nói lên tiếng nói của mình.

Họ thảo luận về những vấn đề cụ thể trước khi một dự luật được thông qua, giống như một dự thảo nghị quyết của Nghị viện. Các cuộc họp của ủy ban ngày càng cởi mở với công chúng và được phát sóng trên Truyền hình Nghị viện.

Chẳng hạn như, công việc của Ủy ban Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên và An toàn hạt nhân là tập trung vào việc đưa ra giải pháp bảo tồn các tài nguyên thiên nhiên. 

Ủy ban thảo luận về những vấn đề như biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học hay sử dụng hiệu quả hơn các nguồn tài nguyên….

Ủy ban Các vấn đề lao động và xã hội thường tập trung vào những lĩnh vực chính sách quan trọng như: lương hưu, chính sách thị trường lao động, trợ cấp thất nghiệp và hỗ trợ người khuyết tật. Đây là một trong những ủy ban lớn nhất và có nhiệm vụ đảm bảo rằng tất cả mọi người đều có thể tiếp cận với thế giới việc làm và tất cả các thế hệ đều được nhận một cơ hội công bằng.

Ngoài ra, còn có một vị trí đặc biệt dành cho Ủy ban Dân nguyện. Đây là nơi Hạ viện Đức trở nên gần gũi nhất với cử tri. Ủy ban Dân nguyện tiếp nhận những ý kiến, nguyện vọng của người dân do các thành viên trình lên. Ủy ban này là nơi đầu tiên biết được các đạo luật ảnh hưởng như thế nào đến người dân, vì vậy họ có thể đánh giá mức độ hài lòng của dân chúng.

Ủy viên lực lượng vũ trang cũng là người tiếp nhận các kiến nghị. Nghị sĩ này có trách nhiệm thay mặt nghị viện giám sát các lực lượng vũ trang, bảo vệ các quyền cơ bản của sỹ quan quân đội và báo cáo trước hạ viện về tình trạng nội bộ của lực lượng vũ trang liên bang.

Cây cầu bắc qua sông Spree kết nối tòa nhà Paul Lobe với tòa nhà Marie-Elisabeth-Luders. Marie-Elisabeth-Luders là một trong những chính trị gia quan trọng nhất hoạt động trong lĩnh vực chính sách xã hội và là người đi đầu trong các phong trào phụ nữ ở Đức.

Tòa nhà này là nơi đặt trụ sở của bộ phận lưu trữ thuộc Nghị viện Đức. Tại đây, các tài liệu về Hạ viện và Thượng viện Đức được phân loại và lập chỉ mục trước khi được phổ cập trên mạng internet.

Các phân tích về chính sách và ý kiến chuyên gia đóng góp đáng kể vào quá trình đưa ra quyết định của Nghị viện. Những thông tin này được cung cấp bởi các mạng lưới nghiên cứu. Theo đó, họ cũng là những người hỗ trợ công việc cho các nghị sĩ và các khu vực bầu cử.

Với 1,4 triệu cuốn sách, thư viện của Nghị viện Đức là một trong những thư viện nghị viện lớn nhất trên thế giới. Phòng đọc có một tầm nhìn tuyệt đẹp ra sông Spree, tòa nhà Reichstag và tòa nhà Paul Lobe.

Ủy ban về các vấn đề Liên minh Châu Âu nhóm họp tại căn phòng này. Ủy ban đóng vai trò quan trọng trong những công việc mà Nghị viện Đức tham gia vào các chính sách của Liên minh Châu âu và giám sát quá trình này. 

Ủy ban này bao gồm 39 thành viên của hạ viện Đức và 16 nghị sĩ Đức đại diện tại Nghị viện Châu Âu. Những nghị sĩ này không có quyền bỏ phiếu nhưng được tham gia vào các cuộc thảo luận của ủy ban. Điều này nhằm đảm bảo sự hợp tác chặt chẽ giữa Hạ viện Đức và Nghị viện Châu Âu.

Sau những phiên thảo luận chi tiết tại các ủy ban, tất cả các dự thảo luật cùng nhiều vấn đề khác bao gồm cả các vấn đề của nghị viện tại nước ngoài sẽ được đem ra thảo luận tại phiên họp toàn thể một lần nữa. Tại đây, tất cả các nghị sĩ sẽ thảo luận lại một lần cuối sau đó sẽ tiến hành bỏ phiếu.

Tùy thuộc vào từng chủ đề, sẽ có những hình thức bỏ phiếu khác nhau. Nhìn chung, các nghị sĩ bỏ phiếu bằng việc giơ tay hoặc đứng dậy. Nếu có bất kỳ sự hoài nghi nào về kết quả, thì hình thức bỏ phiếu đặc biệt được gọi là Hammelsprung (có nghĩa là các cánh cửa phân chia) sẽ được sử dụng. 

Theo đó, các thành viên sẽ phải rời khỏi phòng họp toàn thể, và sau đó quay trở lại bằng việc đi qua một trong 3 cánh cửa được đánh nhãn lần lượt là YES (ĐỒNG Ý), NO (PHẢN ĐỐI) và ABSTENTION (phiếu TRỐNG). 

Đôi khi, việc bỏ phiếu được thể hiện qua những chiếc thẻ cá nhân như thế này cũng rất cần thiết. Tại đây, màu xanh đại diện cho sự đồng ý, màu đỏ là phản đối và màu trắng là phiếu trống. Biên bản của các phiên họp toàn thể có chức năng ghi lại quá trình bỏ phiếu của các nghị sĩ.

Một trong những chức năng chính của nghị viện là giám sát các hoạt động của chính phủ.

Vào thứ Tư hàng tuần trong thời gian diễn ra kỳ họp, các phiên họp toàn thể sẽ bắt đầu bằng những câu hỏi chất vấn đối với các thành viên chính phủ liên bang và thường kéo dài đến chiều thứ 6.

Chủ tịch Hạ viện Đức WOLFGANG SCHAUBLE: Nghị viện là trái tim của nền dân chủ Đức. Tại đây, chúng tôi tìm thấy những điểm mấu chốt trong các cuộc tranh luận chính trị. Đây là trung tâm của quá trình đưa ra các quyết sách. Nếu không có phe đa số tại nghị viện, thì sẽ không có chính phủ. Những thành viên nghị viện được bầu một cách dân chủ, là những người đại diện cho nhân dân. Họ có nhiệm vụ tập hợp các ý kiến và quan điểm khác nhau để hình thành các phe đa số có khả năng đưa ra quyết định. Điều này yêu cầu phải có các cuộc thảo luận và tranh luận sôi nổi cũng như sự cạnh tranh giữa các cá nhân. 

Nhưng theo quy định, quá trình này cũng yêu cầu sự sẵn sàng thỏa hiệp nhằm đạt được sự nhượng bộ cần thiết khi có xảy ra bất đồng chính kiến. Điều này nhằm đảm bảo rằng, phe đa số không phải là một điểm yếu mà là ưu điểm của nền dân chủ. Đó là yêu cầu của sự cân bằng và bền vững. Nghị viện và các nghị sĩ luôn phải đối mặt với thách thức này. Mỗi ngày đều có một thách thức mới.”

Đinh Giang