• 1266 lượt xem
  • 18:52 23/11/2022
  • Văn hóa

Câu chuyện hôm nay: Ngỡ ngàng với những di vật nằm sau lớp đất sâu của Giồng Cá Vồ

Di tích Giồng Cá Vồ (ấp Hoà Hiệp, xã Long Hòa) cách trung tâm TP HCM khoảng 60 km được phát hiện hơn 30 năm trước. Từ đầu năm 2021, sau lần khai quật đầu tiên (1994), di tích này mới được khai quật trở lại. Các nhà khảo cổ phát hiện 224 mộ chum, 15 mộ đất và các di vật được tùy táng.

Giồng Cá Vồ thuộc dạng di tích tiền - sơ sử, thể hiện sự giao thoa của nhiều nền văn hóa khác nhau. Đầu tiên, di tích này mang các yếu tố bản địa của văn hóa Đồng Nai, sau đó chịu ảnh hưởng mạnh của văn hóa Sa Huỳnh. Ngoài ra, di tích này còn có những nét văn hóa của cư dân hải đảo thuộc truyền thống Sa Huỳnh - Kalanay, và phảng phất yếu tố văn hóa Đông Sơn và văn hóa Hán. Ngày 15/9, tại khu hố đào khai quật lần hai, các nhân viên phụ trách tiếp tục công tác bảo tồn, xử lý di vật, di cốt.

Theo Viện Khảo cổ học, đợt khai quật vừa qua đã phát hiện tổng số 243 di tích thuộc bốn loại hình gồm mộ táng, hố đất sét, hố đất đen và di tích bếp. Trong đó, loại hình mộ táng chiếm số lượng chủ đạo với 239 di tích, chiếm 98,4% tổng số di tích. Điều này cũng nói lên đặc trưng điển hình của di tích khảo cổ Giồng Cá Vồ, một di tích thời sơ sử đặc biệt trên phạm vi cả nước. Số lượng di vật thu được trong đợt khai quật này cũng rất lớn, nhiều nhất là loại hình di vật đồ gốm với 33.399.000 mảnh các loại hình chum, đồ trang sức, bát đồng… Căn cứ vào địa tầng, hiện trạng xuất lộ các di tích và di vật, các chuyên gia khảo cổ cho rằng di tích Giồng Cá Vồ thuộc loại hình di tích di chỉ cư trú và mộ táng. Mục tiêu của cuộc khai quật là cơ bản giữ lại hiện trạng di tích nhằm phục vụ cho việc bảo tồn và phát huy tại chỗ giá trị của di tích.

Mời quý vị theo dõi chương trình!