Bảo hiểm y tế (BHYT) là 1 trong 2 chính sách trụ cột bảo đảm an sinh xã hội đang là nỗi trăn trở của các tỉnh miền núi, làm thế nào để đạt tỷ lệ bao phủ cao hay những thách thức đặt ra trong việc phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm nhằm đạt chỉ tiêu giao hàng năm? Và đây là câu chuyện về thực trạng và khó khăn của tỉnh miền núi Lai Châu khi tỷ lệ bao phủ BHYT giảm từ 96,8% xuống 73,7% năm 2021
KHI NÀO ỐM ĐAU MỚI CẦN MUA THẺ BẢO HIỂM Y TẾ
Phải đến khi em dâu nhập viện mổ ruột thừa, anh Lý A Dá ở thôn Bảo Thầu mới chạy lên UBND xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu làm giấy tờ để kịp mua bảo hiểm. Từ khi Quyết định số 861 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 433 của Ủy ban dân tộc được ban hành, anh Lý A Dá và gần 100 nghìn người dân của tỉnh Lai Châu bị cắt giảm thẻ, bản thân anh Dá và gia đình 1 năm nay cũng chưa mua bảo hiểm y tế.
Anh LÝ A DÁ - Thôn Bảo Thầu, xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu: "Lúc nào cần đến thì mới nghĩ đến bảo hiểm, hôm nay là thằng em dâu nó mổ ruột thừa đang cần bảo hiểm cho nên là phải mua thôi chứ làm thế nào nữa"
Ông TẨN A SỬ - Phó Chủ tịch UBND xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu: “Có một số bà con khi ốm đau mới ra cơ quan để mua, làm thủ tục bảo hiểm y tế để đi chữa bệnh. Nếu mà không ốm đau thì bà con hay mơ hồ mình chưa ốm thì chưa cần nên ảnh hưởng đến tiến độ, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế.”
Không mua BHYT hoặc khi ốm đau mới mua, thực trạng này vẫn đang diễn ra tại nhiều thôn bản vùng sâu, vùng xa vừa thoát khỏi diện khó khăn và đạt nông thôn mới của tỉnh Lai Châu. Dù các cấp, các ngành thường xuyên tuyên truyền nhưng tỷ lệ tiếp cận BHYT ở đối tượng này vẫn còn thấp. Hơn nữa, người dân cũng chưa nắm rõ việc để gián đoạn thời gian đóng bảo hiểm y tế theo quy định quá lâu sẽ ảnh hưởng tới việc hưởng chính sách khi tham gia khám chữa bệnh.
Ông TRẦN BẢO TRUNG - Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu: “Trước đây phong tục tập quán là khi ốm đau chủ yếu là tự chữa bệnh tại nhà bằng các phương thức các bài thuốc dân gian, nhờ thầy mo thầy cúng để cúng. chúng tôi cũng rất vất vả tuyên truyền và vận động người dân đi khám chữa bệnh ở các cơ sở y tế, các trạm y tế, bệnh viện thì những cái hủ tục này cũng có những chuyển biến, Chính sách BHYT bị cắt giảm cũng tác động đặc biệt đói với các hộ gia đình có đông nhân khẩu và điều kiện kinh tế còn khó khăn thì họ rất khó để mua BHYT, tiếp tục rà soát, thống kê để đề nghị tỉnh hỗ trợ, nhất là các đối tượng nghèo, cận nghèo”
CẮT GIẢM THẺ BẢO HIỂM Y TẾ ĐỘT XUẤT – NHIỀU HỘ DÂN BỊ ẢNH HƯỞNG
Chồng con bị ốm đau, người nhà có nhiều bệnh tật nhưng vì khó khăn, chạy ăn từng bữa nên nhiều người dân không có tiền mua bảo hiểm y tế, phải đi tìm ông lang, hoặc áp dụng các bài thuốc dân gian để điều trị.
Chị TRƯƠNG THỊ LUYẾN - Thôn Phiêng Phát 1, xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu: “Trước được nhà nước cho thẻ BHYT miễn phí, cảm ơn Nhà nước lắm , bây giờ không cho, nhưng khó khăn lắm không có tiền mua”
Dù là lao động chính của gia đình nhưng vợ chồng chị Đòi Thị Hương cũng không dám mua BHYT cho mình, tấm thẻ “ may mắn” dự phòng này anh chị dành cả cho con.
Chị ĐÒI THỊ HƯƠNG - Bản Xa, xã Phúc Than, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu: “Gia đình không đủ điều kiện, khó khăn về mặt tiền, không đủ để mua cho cả gia đình, chỉ mua cho 2 đứa con để cho các cháu đi học, nếu có gì xảy ra thì còn có cái để chạy chữa. Còn người lớn thì gia đình chưa có đủ điều kiện, chưa có tiền mua thì để sau”
Chị NGÀ THỊ LẢ - Bản Xa, xã Phúc Than, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu: "Cũng chả biết làm thế nào, đi mua thẻ thì điều kiện không có, chỉ lo được cho 2 đứa con thôi. còn 2 vợ chồng, chồng thì đi làm ăn xa do điều kiện cũng khó khăn, thẻ thì cũng nhiều tiền”
Thực hiện Quyết định số 861 của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 1/7/2021 tỉnh Lai Châu có hàng chục ngàn học sinh tại vùng đặc biệt khó khăn không được hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế. Mặc dù thời gian qua, Bảo hiểm xã hội các cấp và các đơn vị chức năng nỗ lực tuyên truyền, song đến nay tỷ lệ học sinh tham gia BHYT tại nhiều địa phương trong tỉnh vẫn rất thấp. Nhiều xã trước đây là vùng III với tỷ lệ người dân tộc thiểu số sinh sống chiếm 100% nên hầu hết người dân đều được Nhà nước hỗ trợ cấp thẻ BHYT miễn phí. Sau khi Quyết định số 861 có hiệu lực công nhận là khu vực I thì đa số người dân bị cắt thẻ BHYT. Việc vận động bà con tự nguyện mua BHYT đang gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại bởi một người mua BHYT là 864 nghìn đồng, riêng học sinh được hỗ trợ 30%, song số tiền bỏ ra cũng hơn 500 nghìn đồng nên người dân không mặn mà tham gia.
Ông TRẦN QUANG CHIẾN - Phó Chủ tịch UBND huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu: “Trong luật yêu cầu học sinh phải mua bắt buộc tại trường, các hộ gia đình cũng được chính sách mua tuy nhiên cử tri có kiến nghị và qua nghiên cứu của chúng tôi thì cũng thấy cần phải sửa đổi luật bảo hiểm y tế cho phù hợp với thời điểm này , đó là đưa học sinh về mua bảo hiểm tại các hộ gia đình để được hưởng các chính sách theo hộ gia đình.”
TÍCH CỰC VÀO CUỘC VÌ MỤC TIÊU BAO PHỦ BẢO HIỂM Y TẾ
Từ tháng 7/2021 đến nay, Bí thư kiêm trưởng bản Pô Tô Giàng A Dụ thường xuyên tuyên truyền cho bà con việc mua bảo hiểm y tế nhưng tỷ lệ bao phủ BHYT toàn thôn mới được gần 70%.
Anh GIÀNG A DỤ - Bí thư kiêm trưởng bản Pô Tô, xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu: “Chúng tôi cũng cố gắng tuyên truyền để hiểu được cái lợi ích, quyền lợi của những người mua bảo hiểm để sau này phục vụ tức là mua để phục vụ cho chính mình, để bà con hiểu được nội dung đấy xong sau đó bà con cố gắng sắp xếp mua bảo hiểm để hưởng quyền lợi tối đa của bà con nhân dân. Nhưng do khó khăn về kinh tế và nhận thức hạn chế mà người dân vẫn chưa mua được bảo hiểm”
Tại huyện Than Uyên, có 7/11 xã chuyển từ vùng 2 và 3 về vủng 1 với 26.500 người dân không được hỗ trợ mua BHYT, ảnh hưởng của QĐ 861 dẫn đến tỷ lệ bao phủ y tế của huyện đang là 96% thì giảm xuống còn 53%.Huyện Than uyên đã tích cực đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền,, vận động các hộ gia đình có điều kiện thì tập trung mua BHYT.
Ông TRẦN QUANG CHIẾN - Phó Chủ tịch UBND huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu: Chúng tôi cũng đưa Nghị quyết về mua BHYT giao chỉ tiêu cho các xã thị trấn để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để làm sao mà người dân có thể tham gia BHYT, được chăm sóc sức khỏe, đảm bảo tốt. Thường xuyên kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ, giúp đỡ. Vì vậy mà trong thời gian vừa rồi, chúng tôi vận động được khoảng hơn 4000 người tham gia BHYT, nâng từ 53% lên 63%.
Có thể thấy, việc cắt giảm thẻ BHYT đột xuất với số lượng đối tượng lớn đã ảnh hưởng trực tiếp tới việc chăm sóc sức khỏe của đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Lai Châu. Bởi đời sống của người dân vẫn còn nhiều khó khăn, không có điều kiện về tài chính để tham gia BHYT hộ gia đình. Mặc dù các địa phương đã nỗ lực tuyên truyền, vận động nhưng tỷ lệ người tham gia BHYT của tỉnh Lai Châu vẫn giảm đáng kể tại tất cả các xã hoàn thành nông thôn mới (không thuộc khu vực III).
Lai Châu là tỉnh biên giới với 20 dân tộc cùng sinh sống, người dân sống ở vùng sâu, vùng xa còn gặp rất nhiều khó khăn. Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo qua các chương trình, dự án, đời sống của người dân đã có chuyển biến rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 13,32% năm 2021.
Quyết định 861 phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 đã đưa 43 xã của Lai Châu từ khu vực II và khu vực III trở thành xã khu vực I, cũng đồng nghĩa với gần 100.000 người dân ở cả 8 huyện, thành phố không còn được cấp miễn phí thẻ BHYT.
Việc cắt giảm thẻ BHYT với số lượng lớn đã làm giảm tỷ lệ bao phủ BHYT của tỉnh từ 96,8% năm 2020 xuống 73,7% vào tháng 7/2021. Dù quyết định số 612 thay thế Quyết định 433 của Ủy ban Dân tộc đã chuyển tham gia BYYT của gần 10.000 người dân tộc thiểu số sang nhóm đối tượng khác nhưng Lai Châu vẫn có tới 88.444 người bị giảm thẻ BHYT.
Để tăng tỷ lệ bao phủ BHYT, không chỉ cán bộ ngành BHXH tỉnh mà các cấp chính quyền, tổ chức đoàn thể ở địa phương đã tăng cường “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà, rà từng đối tượng”, nhưng tỷ lệ bao phủ BHYT tính đến cuối năm 2021 cũng chỉ đạt 82,1% dân số.
Dù đến đầu tháng 4/2022, tỉnh Lai Châu có hơn 381.000 người tham gia bảo hiểm y tế, đạt 82,4% dân số toàn tỉnh, tăng hơn 3.800 người so với tháng 2/2022 và hơn 12.600 người so với năm 2021. Tuy nhiên, để đạt được con số 448.000 người tham gia BHYT theo kế hoạch giao trong năm 2022, tiến tới đạt chỉ tiêu bao phủ BHYT 95% dân số vào năm 2025, đòi hỏi tỉnh Lai Châu cần có những giải pháp căn cơ, phù hợp.
Ông TRẦN TIẾN DŨNG - Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu: “Với đặc thù ở tỉnh miền núi thì cái điều kiện của người dân cũng còn khó khăn vì là khi mà cái mặt bằng chung về kinh tế chưa bền vững và mới là thoát nghèo thế cho nên là cái tác động vào của các chính sách cũng phần nào ảnh hưởng, thế nếu như mà khi ban hành chính sách mà chúng ta cân nhắc đến có 1 cái bước chuyển có thể là điều khoản chuyển tiếp để theo hướng giảm dần và để người dân thích ứng trong 1 thời gian nhất định thế như vậy là nó cũng sẽ có một cái sự phù hợp hơn. Trước những cái tác động, chính quyền địa phương sẽ phải tính toán để làm sao đấy là giảm thiểu và làm sao đấy để phổ biến tuyên truyền được bà con thích ứng với chủ trương của Đảng, Nhà nước.”
Thực tế cho thấy, những trường hợp không mua thẻ BHYT nếu không may bị ốm đau, tai nạn rủi ro không được quỹ BHYT chi trả thì nguy cơ tái nghèo rất cao. Mặt khác, Quyết định 861 của Thủ tướng Chính phủ và quyết định 433 của Ủy ban Dân tộc đã tác động trực tiếp đến mục tiêu bao phủ BHYT tại nhiều tỉnh, thành phố khi ngay sau việc cắt giảm thẻ BHYT, người dân chưa thích ứng, chưa có điều kiện mua đã làm giảm tỷ lệ bao phủ xuống mức thấp nhất.
Bà CẦM THỊ MẪN - Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa: "Trong 1 thời gian nhất định, chắc chắn sẽ có nhiều vướng mắc, trước đây người dân được hưởng nhiều chế độ theo diện 30 A nhưng bây giờ thì bị ảnh hưởng nhiều do căt giảm BHYT"
Ông Y THANH HÀ NIÊ KĐĂM - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc: “Qua khảo sát quyết định 861 của thủ tướng Chính phủ mà HDDT thực hiện thấy rằng phân định theo trình độ phát triển có yếu tố những xã đạt nông thôn mới sẽ ra khỏi vùng khó khăn. Trước đây khi đạt nông thông mới không có điều kiện này, nay theo phân định có nên gặp nhiều khó khăn, thực tế lên nông thôn mới là người ta khá giả luôn mà cần có thời gian. Do vậy đề nghị chính phủ trong xây dựng chính sách cần có đánh giá rà soát trong quá trình thực hiện.”
Trước tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế tại Lai Châu và nhiều tỉnh, thành phố bị giảm đột ngột do quy định vùng mới áp dụng, các chuyên gia cho rằng, việc các đối tượng thụ hưởng chính sách về bảo hiểm y tế bị giảm đi có tác động rất lớn đến việc bảo đảm an sinh xã hội vùng đồng bào DTTS bởi với rất nhiều hộ dân dù không còn nằm trong khu vực khó khăn nhưng họ lại gặp khó khi các chính sách hỗ trợ được hưởng trước đây bị cắt bỏ đột ngột. Đa số hộ dân là người đồng bào dân tộc thiểu số rất khó khăn về kinh tế, thu nhập thấp, không ổn định, gia đình đông con nên không có nguồn tài chính để tham gia BHYT theo hộ gia đình.
Trong khi các địa phương vẫn đang tiếp tục nỗ lực tuyên truyền vận động, để người dân tiếp cận dần dần chính sách thì cũng rất cần sự quan tâm, chia sẻ nhiều hơn từ các Bộ, ngành Trung ương nhằm tăng tỷ lệ bao phủ BHYT
Bên cạnh đó, việc sụt giảm tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân cũng như việc các hộ dân chưa hoặc không tiếp cận BHYT sẽ gây khó khăn cho việc thực hiện Nghị quyết số 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng , khóa XII “Về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới”.
Thực hiện : Bích Hạnh