Cảnh báo đỏ về sốt xuất huyết tại các tỉnh phía Nam

Đến thời điểm này, khu vực phía Nam đã ghi nhận hơn 56.000 ca sốt xuất huyết. Đã có 42 ca tử vong, bao gồm 18 trẻ em. Tại buổi làm việc của đoàn kiểm tra Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn dẫn đầu cùng Sở Y tế TP.Hồ Chí Minh sáng 27/6, những cảnh báo về mùa dịch sốt xuất huyết năm nay đều cho thấy mức độ nguy hiểm là rất cao.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới quá tải, phải kê thêm giường ở hành lang các khoa. 6 tháng qua có 3 ca tử vong và 7 ca sốt xuất huyết nặng xin về. 

Bệnh viện Nhi đồng 1 liên tục có các ca sốc sốt xuất huyết biến chứng nặng phải thở máy, lọc máu. Đã có 7 trẻ tử vong vì căn bệnh này.

TS.BS NGUYỄN VĂN VĨNH CHÂU, PGĐ Sở Y tế TP.Hồ Chí Minh: “Nhóm nguy cơ diễn tiến nặng tập trung ở trẻ béo phì và phụ nữ có thai. Nhìn lại thì hướng dẫn điều trị của quốc gia cũng chưa có phác đồ cho nhóm riêng này”.

Năm nay, dịch sốt xuất huyết bùng phát trở lại theo chu kỳ 3 năm. Tuy nhiên, mọi chỉ số đều đã cao hơn so với dịch năm 2019. Các chuyên gia y tế nhấn mạnh, cần quyết liệt diệt lăng quăng, bọ gậy, chống sốt xuất huyết.

Ông NGUYỄN LƯƠNG TÂM, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế: “Nếu sốt xuất huyết như thế này thì chắc chắn trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh muỗi truyền bệnh, bọ gậy lăng quăng nhiều lắm. Vậy chúng ta giải quyết như thế nào? Phải giải quyết ngay, lấy người dân làm gốc. Sốt xuất huyết nếu làm như dịch Covid-19 vừa rồi thì chắc chắn sẽ thành công”.

PGS.TS.BS NGUYỄN TRƯỜNG SƠN, Thứ trưởng Bộ Y tế: “Dự báo của chúng ta tháng 6 này chưa phải là đỉnh, chúng ta sẽ còn tiếp tục tăng dần trong tháng 7, tháng 8 và có thể kéo dài đến tháng 10, 11 trong năm 2022. Cho nên, việc quan tâm, chỉ đạo không chỉ có ngành y tế mà phải là cả hệ thống chính trị vào cuộc”.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cũng yêu cầu các cơ sở y tế cần làm tốt việc tập huấn cho cán bộ, nhân viên y tế về chẩn đoán và điều trị sốt xuất huyết, tăng cường hội chẩn từ xa, kịp thời giảm tải cho tuyến cuối, hạn chế đến mức tối thiểu các ca tử vong do sốt xuất huyết.

Phương Thảo