Ban thanh tra nhân dân: Có cần thiết thành lập?

Chiều 17/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Báo cáo về Việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, và thảo luận các vấn đề còn có ý kiến khác nhau về nội dung này. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung làm việc. Những vấn đề xung quanh việc thành lập Ban thanh tra nhân dân được các thành viên Uỷ ban Thường vụ quan tâm thảo luận.

Việc thành lập Ban Thanh tra nhân dân ở tất cả các loại hình cơ sở nhằm bảo đảm sự bình đẳng và bảo đảm có cơ chế để thực hiện quyền kiểm tra, giám sát của người lao động ở các tổ chức có sử dụng lao động khu vực ngoài công lập. Với vai trò, trách nhiệm của mình, Ban Thanh tra nhân dân có thể phát hiện từ sớm về những hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật để cảnh báo, đề xuất, kiến nghị với cơ quan, cá nhân có thẩm quyền. 

Ông NGÔ SÁCH THỰC, Phó Chủ tịch Ủy ban TWMTTQ Việt Nam: “Chúng tôi thấy thanh tra nhân dân trong Luật Thanh tra, còn bây giờ đưa vào Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở thì đúng là cùng một kỳ trình được 2 luật này thì cũng rất tốt. Như vậy là thanh tra nhân dân và giám sát đầu tư ở cộng đồng thì trong pháp luật hiện hành nó là một trong những phương thức để người dân ở dưới thực hiện quyền làm chủ của mình rất quan trọng."

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, việc Ban thanh tra nhân dân được thành lập ở cả những đơn vị doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp là cần thiết. Đối với việc ban thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn được hỗ trợ kinh phí từ nguồn kinh phí hoạt động của Mặt trận Tổ quốc cấp xã. Ban thanh tra ở cơ quan, đơn vị, tổ chức có sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí từ nguồn kinh phí hoạt động của Ban chấp hành công đoàn. Chủ tịch Quốc hội yêu cầu rà soát kỹ luật chuyên ngành, đảm bảo khả thi và không có mâu thuẫn

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: “Đây các đồng chí mới bổ sung thêm. Thực tiễn thì rất tốt rồi nhưng có vướng gì đến Luật Công đoàn và Luật Mặt trận Tổ quốc không? Kinh phí có không, được hỗ trợ thế nào và sau này ai quy định? Đã sinh ra chế độ này sau này rất nhiều chuyện cụ thể. Mức hỗ trợ thế nào, ai hướng dẫn? Bỏ chữ được này, được kia rất tốt rồi nhưng sau này mức thế nào, ai hướng dẫn và có xung đột gì với luật chuyên ngành không thì các đồng chí rà thêm, nếu được thế này thì ủng hộ quá. Ủy ban Pháp luật không mất gì, hỗ trợ được cho Ban thanh tra nhân dân thế này thì rất tốt. Có xung đột gì với luật chuyên ngành không, mâu thuẫn gì không và được hỗ trợ thì được thế nào?"

Về Ban giám sát đầu tư cộng đồng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh  đây là thiết chế rất có hiệu lực, hiệu quả. Do vậy cần tiếp tục duy trì, phát huy hiệu quả của thiết chế này.

Giải trình thêm về vấn đề này , Bộ trưởng Bộ nội vụ Phạm Thi Thanh Trà cho biết đây là một thiết chế dân chủ rất quan trọng để người dân phát huy quyền làm chủ, thực hiện quyền kiểm tra, giám sát của mình. Ban soạn thảo tiếp thu cân nhắc thêm khi Chính phủ ban hành những quy định cụ thể.

Bà PHẠM THỊ THANH TRÀ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ: "Chúng tôi sẽ cố gắng tính toán đưa vào đây thêm các nội dung có liên quan đến điều kiện để làm sao Ban Thanh tra nhân dân hay Ban giám sát cộng đồng hay tổ chức tự quản thực hiện được quyền giám sát của mình. Sẽ cân nhắc thêm khi Chính phủ ban hành những quy định cụ thể, như văn bản để thể chế vấn đề này liên quan đến điều kiện thì chúng tôi sẽ tính toán thêm để đáp ứng được yêu cầu phát huy vai trò của thiết chế Ban Thanh tra nhân dân hay Ban Giám sát cộng đồng hay các tổ chức tự quản khác đều có thể thực hiện được nhiệm vụ về kiểm tra, giám sát và cuối cùng là phát huy được dân chủ tại cơ sở.”

Kết luận nội dung này, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết UBTVQH thống nhất tổ chức Ban thanh tra nhân dân ở tất cả các loại hình cơ sở, bao gồm cả doanh nghiệp, tổ chức khác có sử dụng lao động để tạo thống nhất, bình đẳng. Đề nghị các cơ quan phối hợp rà soát thêm về nội dung hỗ trợ kinh phí cho Ban thanh tra nhân dân bảo đảm tính khả thi và không xung đột với các luật khác, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, đồng thời làm rõ hơn vấn đề liên quan đến đại diện người lao động tại các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế có sử dụng lao động ở nơi mà không có tổ chức công đoàn.

Quang Sỹ