Cân nhắc việc quy định thực hiện dân chủ đối với doanh nghiệp ngoài nhà nước

Vừa qua, Quốc hội đã cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, theo đó, việc mở rộng quy định về thực hiện dân chủ đối với doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã nhận được nhiều tranh luận giữa các đại biểu.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc công khai dân chủ là tốt nhưng cũng bày tỏ băn khoăn khi một số quy định trong dự thảo luật còn chung chung, chưa rõ chế tài xử lý, nếu có vi phạm, dễ phát sinh thêm các chi phí tuân thủ pháp luật. Ghi nhận của phóng viên Truyền hình Quốc hội Việt Nam. 

Như mọi năm, chị Đặng Thị Thanh lại nghiên cứu thoả ước lao động tập thể mà công ty soạn thảo gửi người lao động. Theo quy định của Bộ Luật Lao động, đây là văn bản thoả thuận giữa tập thể lao động và người sử dụng lao động, trong đó có quy định về các điều kiện lao động quyền và nghĩa vụ của hai bên trong quan hệ lao động. Việc công ty lấy ý kiến của từng nhân viên với các nội dung trong thoả ước đã giúp cho chị cũng như nhiều lao động tại đây cảm thấy yên tâm bởi đây là cơ sở pháp lý quan trọng để xem xét giải quyết tranh chấp lao động tập thể, một khi có tranh chấp lao động tập thể xảy ra.

Bà ĐẶNG THỊ THANH, Công ty Cổ phần Halcom Việt Nam: Trong phần ý kiến đóng góp đó thì tác động tích cực đến nhu cầu cũng như tất cả những mong muốn của người lao động khi làm việc trong một doanh nghiệp. Họ cũng cần phải đáp ứng những mục tiêu gì khi mà họ đạt được những kết quả mà họ đã cống hiến cho đơn vị”.

Bên cạnh những doanh nghiệp làm tốt việc lấy ý kiến người lao động vào thoả ước lao động tập thể, thực tế cũng còn cũng còn không ít bản thỏa ước lao động tập thể chỉ mang tính hình thức. Do vậy, trong dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở lần này, Chính phủ đã trình quy định: Các thỏa ước lao động tập thể là nội dung người sử dụng lao động phải công khai. 

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp băn khoăn khi các quy định, chế tài trong dự thảo luật chưa rõ. Trong khi đó, Bộ luật Lao động và Nghị định hướng dẫn Luật đã có chương riêng về quy chế dân chủ tại nơi làm việc nên việc mở rộng đối tượng tại dự luật sẽ phát sinh thêm các chi phí không cần thiết.

Ông ĐẬU ANH TUẤN, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): “Chúng tôi nghe ngại về sự chồng chéo, sự trùng lặp giữa hệ thống pháp luật về lao động và Luật Thực hiện dân chủ cơ sở. Chính vì thế, nó có thể tạo ra những rào cản, tạo ra chi phí và tạo ra nguy cơ phát sinh những trục trặc cho hoạt động điều hành của doanh doanh nghiệp, trong khi mục tiêu có thể chưa thực sự thuyết phục.”

Ông NGUYỄN VIỆT DŨNG, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Halcom Việt Nam:Cần phải nêu rõ những cái chế tài để xử lý những vi phạm khi mà bất kể cá nhân, tổ chức nào lợi dụng cái việc mà hoặc lạm dụng cái việc mà dân chủ công khai thông tin này để gây xấu, bôi xấu hình ảnh của doanh nghiệp hoặc kích động những người lao động và người ta có những phản ứng, có những đợt đình công hoặc là những cái gây khó khăn, làm xấu đi hình ảnh của doanh nghiệp hoặc là mất ổn định cái trật tự an toàn xã hội cũng như là ảnh hưởng xấu đến môi trường kinh doanh của doanh nghiệp thì trong dự thảo luật cũng gần như rõ cái việc này để đảm bảo cái tính ổn định trong hoạt động của doanh nghiệp”

Đồng quan điểm với chuyên gia, Đại biểu Quốc hội đề nghị, cần phải cân nhắc và có những tính toán cụ thể, đảm bảo tính khả thi khi triển khai luật.

Bà TRƯƠNG THỊ NGỌC ÁNH, Đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ: “Theo quan điểm cá nhân tôi, chưa nên hoặc nếu có đưa vào quy định trong luật lần này thì cần phải tính toán, cần phải cân nhắc và phải tách ra một mục riêng. Trong chương thứ tư về thực hiện quy chế dân chủ đối với loại hình doanh nghiệp, phải có một mục riêng về thực hiện quy chế dân chủ trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước, các tổ chức sử dụng lao động. Tức là phải có quy định riêng đối với các cái loại hình này chứ không thể quy định chung như trong dự thảo luận hiện hành. Chúng ta thấy đấy là những khó khăn và bất cập, những cái vướng vào cần tính toán cân nhắc kỹ hơn nữa để khi luật được ban hành thì nó mang tính khả thi cao”.

Với mục tiêu bảo đảm tính công khai, minh bạch trong hoạt động và trách nhiệm giải trình của chính quyền cơ sở, cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp, dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở kỳ vọng phát huy được vai trò của người lao động trong các doanh nghiệp. Do đó, bên cạnh việc quy định cụ thể các nội dung hình thức thực hiện, cơ quan soạn thảo cần lắng nghe kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp và người lao động - những đối tượng sẽ chịu tác động trực tiếp.

Thùy Linh