Samsung tại Việt Nam có thể phải nộp tới 6,5 tỉ USD nếu bị áp thuế tối thiểu toàn cầu

Chiều 24/4, dưới sự đồng chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải và Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới Carolyn Turk, Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội phối hợp với Ngân hàng Thế giới đã tổ chức Hội thảo Thuế tối thiểu toàn cầu và tác động đối với chính sách ưu đãi đầu tư tại Việt Nam.

Hội thảo đã thu hút được nhiều ý kiến thảo luận giá trị, sâu sắc của các chuyên gia trong và ngoài nước, các doanh nghiệp FDI, các nhà hoạch định chính sách để trả lời câu hỏi Việt Nam cần làm gì để hỗ trợ DN FDI trước tác động của thuế tối thiểu toàn cầu? Và Chúng ta cần thiết kế hệ thống chính sách ưu đãi đầu tư như thế nào để tiếp tục duy trì được môi trường đầu tư hấp dẫn? 

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhận định việc áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu từ năm sau có tác động ngay đến môi trường đầu tư và hệ thống các chính sách ưu đãi của Việt Nam.

Là nước nhận vốn đầu tư nước ngoài lớn, có nhiều chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, Việt Nam cần kịp thời nghiên cứu, xây dựng và ban hành các chính sách thích ứng.

Tại hội thảo các DN FDI chia sẻ thẳng thắn các tác động của thuế tối thiểu toàn cầu đến hoạt động của họ.

Do Hàn Quốc sẽ áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm sau, nên Samsung ước tính ngay năm tài chính 2024 sẽ phải đóng thêm một khoản thuế 400 triệu USD về Hàn Quốc. Nếu tính cho cả thời gian ưu đãi thuế tại Việt Nam, tổng số thuế chênh lệch phải đóng thêm ước tính 6,5 tỷ USD.

Đại diện Samsung cho biết khi thuế tối thiểu toàn cầu hay trụ cột 2 có hiệu lực, cơ sở sản xuất tại Việt Nam vốn đang chiếm 50% sản lượng toàn cầu của Tập đoàn này sẽ bị giảm năng lực cạnh tranh so với cơ sở tại các nước khác.

Chia sẻ những tác động này, đa số các ý kiến nhất trí về sự cần thiết phải nội luật hoá các quy định về Thuế tối thiểu toàn cầu. Đặc biệt, trước mắt cần áp dụng Thuế nội địa bổ sung tối thiểu đạt chuẩn (QDMTT) ngay cho năm 2024, để một mặt, Việt Nam giành quyền thu phần thuế bổ sung trước khi chảy sang các quốc gia khác, mặt khác, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp FDI.

Bàn về định hướng thiết kế lại các chính sách ưu đãi đầu tư, nhiều ý kiến cho rằng thay vì ưu đãi dựa trên thu nhập, Việt Nam nên ưu đãi dựa trên chi phí như chi phí nghiên cứu và phát triển, chi phí hỗ trợ các ngành ưu tiên thu hút đầu tư.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Vân Chi chia sẻ những lo ngại của các doanh nghiệp ĐTNN chịu ảnh hưởng của Thuế tối thiểu toàn cầu và khẳng định Quốc hội sẽ đồng hành với Chính phủ để kịp thời ban hành các chính sách thích ứng trong thời gian tới.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách khẳng định các ý kiến tại hội thảo là thông tin đầu vào quan trọng để các cơ quan liên quan của Quốc hội nghiên cứu, tham mưu trong quá trình Quốc hội xem xét, quyết định những nội dung liên quan đến chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp và các chính sách ưu đãi đầu tư nhằm duy trì một môi trường đầu tư tích cực tại Việt Nam thời gian tới.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Thế Anh