Cần mạnh dạn đầu tư cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo

Chủ trương đẩy mạnh khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là động lực, là then chốt để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội đã được thể hiện trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng, trong các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, của Quốc hội, trong chiến lược phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo đến 2030, kế hoạch hành động của các bộ ngành, địa phương.

Tuy nhiên để lĩnh vực này phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, nhiều đại biểu đề nghị Nhà nước cần mạnh dạn cho thí điểm một số cơ chế đột phá cho các tổ chức khoa học công nghệ.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Lan, hiện nay ngân sách nhà nước dành cho khoa học công nghệ của Việt Nam rất thấp so với nhiều nước, chỉ khoảng 0,5% GDP, trong khi Thái Lan chi gấp 2 lần, Trung Quốc gấp 5 lần, Đức và Hoa Kỳ gấp 6 - 7 lần, và Hàn Quốc gấp gần 10 lần với 4,8% GDP. Để thị trường khoa học công nghệ phát triển theo đúng kỳ vọng, đại biểu đề nghị Chính phủ cho thí điểm các cơ chế, chính sách mới.

Bà NGUYỄN THỊ LAN - Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: "Có cơ chế đầu tư mạo hiểm, động viên, chia sẻ rủi ro với các nhà khoa học tiên phong nghiên cứu trong lĩnh vực mới và khó. Cho thí điểm các mô hình doanh nghiệp trong trường đại học như mô hình spin-off, mô hình hợp tác xã trong trường đại học và nhiều mô hình khởi nghiệp sáng tạo khác."

Theo các đại biểu, đầu tư cho lĩnh vực khoa học công nghệ sẽ là nền tảng cho tăng trưởng trong tương lai, đặc biệt, việc đầu tư khoa học công nghệ cho ngành công nghiệp hóa chất sẽ giúp cho Việt Nam thăng hạng trong lĩnh vực này.

Ông LÃ THANH TÂN - Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng: "Điểm hạn chế lớn hiện nay chúng ta chưa có công nghệ nguồn và cơ chế, chính sách để phát triển công nghệ nguồn cho ngành hóa chất, chưa tận dụng tối ưu nguồn tài nguyên, nguyên liệu trong nước và chưa làm chủ được thị trường nội địa. Nhiều doanh nghiệp dù muốn tìm nguồn hóa chất nội địa để giảm chi phí logistic và chủ động hơn trong sản xuất nhưng do trong nước chưa tìm được nhà cung cấp hóa chất, nguyên liệu và các sản phẩm hóa chất quan trọng phục vụ phát triển sản xuất nên phải phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Điều này làm tăng giá thành ở một số ngành hàng xuất khẩu chủ lực dẫn đến giảm sức cạnh tranh của hàng Việt Nam."

Nhiều ý kiến cũng đề nghị Chính phủ, Quốc hội quan tâm, sớm rà soát, sửa đổi, bổ sung để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, những rào cản pháp lý, các quy định còn thiếu hoặc chưa phù hợp với thực tiễn, đồng thời ưu tiên đầu tư mạnh mẽ thêm cho khu vực nghiên cứu đổi mới sáng tạo, nơi cung cấp sản phẩm khoa học, công nghệ cho thị trường khoa học, công nghệ.

Hồng Loan