Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu bởi nhiều công nghệ mới như AI, Blockchain, IOT, Big Data, làm thay đổi hành vi xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống. Nắm bắt được xu thế dịch chuyển lên xã hội thông minh 5.0, nhiều tổ chức đã đầu tư và hình thành hệ sinh thái các công nghệ mới nhằm xây dựng hạ tầng, ứng dụng vào đời sống và kết nối, hội nhập quốc tế.
Sự phát triển của công nghệ đang ngày càng đột phá với nhiều sự trải nghiệm mới. Đối với tổ chức, việc ứng dụng những công nghệ mới không chỉ giúp tiết giảm chi phí mà còn tăng năng suất lao động, hiệu quả công việc. Còn đối với người dùng, sẽ mang lại những lợi ích thiết thực hơn, tạo ra nhiều giá trị gia tăng mới.
Ông DAIKA GINZA, Chủ tịch Hệ sinh thái Uniworld: “Cốt lõi của AI giúp cho con người tự do hơn để họ thảnh thơi hơn, họ có thời gian hoà nhập cuộc sống với gia đình, cải thiện bản thân, hoạt động văn hoá nghệ thuật. Còn Meta bản chất là giúp cho người dùng cảm nhận tốt hơn. Nó không còn thô như chúng ta kết nối với nhau qua internet nữa. Nó là thế hệ tiếp theo của không gian internet và người dùng còn có thể cảm nhận, trải nghiệm còn hơn cả 3D, trực quan, hiện hữu và gần gũi hơn”.
Theo các chuyên gia, Việt Nam hoàn toàn có thể làm chủ được các công nghệ lõi mà trên thế giới đã xuất hiện. Khi hiện nay đang có rất nhiều người Việt tham gia phát triển những công nghệ mới này hoặc hợp tác để chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức với nhiều tổ chức uy tín trên thế giới. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất vẫn là đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao để phát triển và ứng dụng tại Việt Nam.
Ông NGUYỄN ĐÌNH THẮNG, Phó Chủ tịch Hội tin học Việt Nam: “Cái quan trọng nhất là xuất phát từ con người. Con người phải đủ năng lực. Ở Việt Nam chúng ta phải quy tụ được con người Việt Nam toàn cầu đang làm việc cho những hãng lớn, có kinh nghiệm, kêu gọi họ về Việt Nam hợp tác. Rồi chúng ta sẽ hợp tác với các hãng, viện nghiên cứu, trường đại học để họ chia sẻ kinh nghiệm, cùng làm với chúng ta. Mặc dù chúng ta làm chủ nhưng phải kết nối được với những kinh nghiệm, kiến thức quốc tế”.
Các chuyên gia cũng cho rằng, hành lang pháp lý cần phải đi trước để tạo cơ hội cho những nền tảng công nghệ mới phát triển. Qua đó, mới thực sự đem lại hiệu quả tích cực khi ứng dụng công nghệ vào cuộc sống, góp phần đạt mục tiêu chuyển đổi số và xây dựng xã hội số hiện đại, an toàn.