• 2275 lượt xem
  • 16:43 13/06/2022
  • Văn hóa

Cần hành động cụ thể tiếp thêm ngọn lửa đam mê để quan họ sống trong cộng đồng

Cũng như các di sản văn hóa phi vật thể khác, Quan họ phải được bảo tồn trong không gian văn hóa nơi nó được sáng tạo ra, đồng thời kết hợp hài hòa giữa bảo tồn yếu tố truyền thống và sự biến đổi thích nghi cần thiết, đáp ứng nhu cầu cuộc sống. Tuy nhiên để di sản thực sự sống và được phát huy hiệu quả thì ngoài một tình yêu còn là những hành động và việc làm cụ thể.

Về làng Diềm – một trong những làng quan họ gốc của vùng Kinh Bắc có đền thờ Thủy tổ Quan họ, quan họ vốn là máu thịt, là tình yêu và lẽ sống của biết bao người dân nơi đây. Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại này là di sản sống và đang được nối dòng bằng những con đường, bằng những con người bình dị như các liền chị, liền anh làng Diềm. 

Từ tình yêu với văn hoá quan họ và trách nhiệm với di sản, Thư viện Quan họ của nghệ nhân Nguyễn Thị Sang, Nguyễn Thị Thềm cũng trở thành một không gian tuyệt vời để truyền dạy cho các thế hệ trẻ quê nhà. 2 nghệ nhân đã tích lũy vốn văn hóa quan họ trong kho ký ức những câu hát của mình và họ đang âm thầm làm công việc bồi dưỡng các lớp kế cận cho quan họ được nối dòng.

Em NGUYỄN THỊ THUẦN, Sinh viên Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp HN: “Em theo học lớp của nghệ nhân Sang tính đến nay đã được hơn 10 năm. Kể từ khi em còn rất là nhỏ. Với mục đích là bảo tồn và phát triển câu ca quan họ thì em cũng có tham gia những hoạt động của địa phương hay là ở tại các trường học mà em đã theo học. Em cũng có tham gia những hoạt động văn nghệ, góp phần công sức của mình để bảo tồn các làn điệu dân ca quan họ. Bây giờ em lớn rồi em được đi ra môi trường rộng hơn, em sẽ mang làn điệu dân ca đến với các bạn ở vùng miền khác thì các bạn có thể biết về dân ca quan họ Bắc Ninh.”

Sức sống của nghề chơi quan họ đang được biểu hiện đa dạng hình thức với nhiều cấp độ khác nhau. Do đó, ngoài những không gian sẵn có của làng để sinh hoạt văn hóa Quan họ như đình, chùa…những yêu cầu và nhu cầu về những thiết chế quan trọng khác như Nhà chứa Quan họ. 

Thạc sỹ NGUYỄN HỮU DUY, Phó Đoàn Nhà hát Quan họ Bắc Ninh: “Trong những năm qua thì chúng tôi là những người trực tiếp tham gia vào công việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa quan họ cho tôi thấy rằng là từ nhà nước cho đến cộng đồng đã có rất nhiều những cái bước tiến triển để cùng chung tay bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc biệt là chủ thể cộng đồng nếu như trước đi Bắc Ninh chưa có chế độ gì cho các nghệ nhân nghệ sĩ tham gia vào cái việc này thì người ta đã có ý thức là tự tham gia vào cái việc này, xác định là việc chơi quan họ thế là sau này thì khi mà Nhà nước, tỉnh đặc biệt là tỉnh Bắc Ninh có những chế độ riêng cho các nghệ nhân, nghệ sĩ tham gia thì cái việc bảo tồn và phát huy văn hóa trong cộng đồng ngày càng được một nâng cao, bài bản hơn.”

ÔNG NGUYỄN XUÂN TRUNG, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh: “Chúng tôi có một dự án là dự án bảo tồn các thiết chế cho hoạt động của dân ca quan họ Bắc Ninh tại cộng đồng mà chúng tôi cũng nôm na ngày xưa gọi là nhà chứa. Chúng tôi sẽ đề xuất là mỗi một làng quan họ gốc sẽ phục dựng lại một nếp nhà cổ của người Việt, mình đặt tên là nhà chứa, lấy đó làm nơi để cho các cái hoạt động về bảo tồn quan họ trong cộng đồng.” 

Đã bao đời, các làn điệu quan họ, văn hóa quan họ được nuôi dưỡng, được kế thừa và phát triển trong dân gian như vậy. Và chúng ta có thể hy vọng sự tiếp nối trường tồn của quan họ khi nhìn thấy ngọn lửa đam mê quan họ trên quê hương của di sản văn hóa này đang được những thế hệ trước truyền lại cho thế hệ sau âm thầm, bình dị mà kiên trì.

Hồng Dũng