Cần coi chính sách văn hóa là đòn bẩy của các chương trình hành động

Sáng nay 06/9, tại Ninh Bình, Bộ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình và UNESCO Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm công ước về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.

Dự buổi lễ có Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh; Trưởng Ban công tác Đại biểu Nguyễn Thị Thanh; Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà; Bà Audrey Azoulay, Tổng Giám đốc UNESCO, lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và tỉnh Ninh Bình.

Cách đây 50 năm, ngày 16/11/1972, tại thủ đô Paris Pháp, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) đã thông qua Công ước về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới và đến nay, đã có 194 quốc gia trở thành thành viên của Công ước này. Là thành viên của UNESCO từ năm 1976, phê chuẩn tham gia Công ước 1972 từ ngày 19/10/1987, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh gia là thành viên có trách nhiệm, uy tín, luôn thực hiện tốt các quy định của Công ước.

Với nguồn tài nguyên văn hóa đồ sộ, phong phú, đặc sắc, Việt Nam đã lựa chọn, lập hồ sơ 08 di sản văn hóa, thiên nhiên tiêu biểu và được UNESCO ghi vào Danh mục Di sản Thế giới. Cũng kể từ khi tham gia Công ước 1972 đến nay, Việt Nam đã 5 lần đảm nhiệm vai trò thành viên Hội đồng Chấp hành UNESCO và là một trong 21 thành viên Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2013-2017.

Ông NGUYỄN VĂN HÙNG, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: "Quá trình tham gia Công ước, Việt Nam cũng đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng về nhận thức, lý luận và thực tiễn trong lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung và di sản thế giới nói riêng, thể hiện qua hệ thống pháp luật về di sản văn hóa. Từ Luật Di sản văn hóa được Quốc hội Việt Nam thông qua đến Nghị định của Chính phủ quy định về bảo vệ và quản lý di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam đã được xây dựng theo hướng tiệm cận với tinh thần của Công ước 1972, hướng dẫn thực hiện Công ước và mục tiêu Phát triển bền vững của UNESCO, cho thấy đây không chỉ là thay đổi nhận thức và quan điểm, mà còn tạo ra hành lang pháp lý quan trọng để quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di sản thế giới ở Việt Nam."

Năm 2019, các Di sản Thế giới ở Việt Nam đã đón trên 18,2 triệu lượt khách thăm quan, với tổng doanh thu đạt 1.800 tỷ đồng. Đây là minh chứng sống động cho việc phát huy giá trị của di sản, khẳng định sự đóng góp tích cực, hiệu quả của các di sản thế giới tại Việt Nam. Hiện nay, các Bộ ngành và địa phương đang tập trung thực hiện mục tiêu toàn cầu về tăng cường bảo vệ và bảo đảm an toàn cho các Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới và Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh tại “Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững”.

Phát biểu tại buổi Lễ, Bà Audrey Azoulay, Tổng Giám đốc UNESCO khẳng định, mối quan hệ đối tác giữa UNESCO và Việt Nam luôn được duy trì và phát triển. Đồng thời đánh giá cao các cơ quan chức năng của Việt Nam đã phát huy đầy đủ tiềm năng của các công ước văn hóa của UNESCO. Tổng Giám đốc UNESCO cho rằng, trong giai đoạn tới cần dung hòa giữa phát triển với bảo tồn các di sản thiên nhiên và văn hóa. Một thử thách khác là chống biến đổi khí hậu để đạt được mục tiêu chung bảo vệ 30% hành tinh vào năm 2030.

Bà AUDREY AZOULAY, Tổng Giám đốc UNESCO: " Tất nhiên để đạt được mục tiêu, chúng ta cần phải khơi dậy tiềm năng của Công ước về Di sản thế giới. Ngay từ đầu, Công ước đã coi thiên nhiên là di sản, như Khu di sản thế giới Vịnh Hạ Long nổi tiếng, như Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng, một vùng quan trọng cho bảo tồn đa dạng sinh học. UNESCO muốn tăng cường hợp tác xây dựng năng lực cho các cán bộ quản lý các khu di sản, để có thể dự báo tốt hơn về hệ quả lâu dài của biến đổi khí hậu và giải quyết các tình huống khẩn khấp hiệu quả hơn."

Tổng Giám đốc UNESCO nhấn mạnh, cần coi các chính sách văn hóa là đòn bẩy cho các hành động của quốc gia và đây cũng là thông điệp mà UNESCO sẽ bảo vệ tại Hội nghị tổ chức ở Mexico với sự tham dự của 140 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam.

Cũng nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu đã đến dâng hương tại đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng và đền thờ Vua Lê Đại Hành tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình; kính cần tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của các bậc Tiền nhân đã có công lập nên nước Đại Cồ Việt, đồng thời bày tỏ tiếp tục phát huy truyền thống hào hùng của cha ông, đoàn kết, đồng lòng xây dựng đất nước ngày càng phát triển.

Quang Sỹ