Cao tốc Bắc - Nam: Giải phóng mặt bằng tách thành dự án độc lập

Đồng tình với việc cần thiết phải đẩy nhanh đầu tư xây dựng công trình, một số đại biểu cũng cho rằng cần có chế đầu tư phù hợp mới đạt đích hoàn thành toàn bộ vào năm 2025. Trong đó cần ưu tiên bố trí nguồn vốn để sớm thực hiện giải phóng mặt bằng Dự án cao tốc Bắc-Nam.

Quan tâm đến vấn đề giải phóng mặt bằng, nhiều ý kiến đại biểu bày tỏ đồng tình với phương án tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập và giao cho địa phương tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, do các địa phương có đường cao tốc đi qua lại có quy mô ngân sách rất hạn hẹp, chưa thể cân đối nên ngân sách nên Trung ương cần ưu tiên bố trí nguồn vốn để địa phương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Trong đó vấn đề tái định cư cho người dân ổn định đời sống sau giải phóng mặt bằng cần hết sức quan tâm.

Ông Phạm Văn Hòa - Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp:  “Toàn bộ dự án là 5.481 ha, số hộ bị ảnh hưởng ở vùng dự án 14.893, số hộ tái định cư là 11.905, nội dung này ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ giải ngân và hoàn thành đúng tiến độ đưa vào sử dụng theo nghị quyết đề ra. Cho nên tôi đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo địa phương trong vùng dự án đẩy nhanh giải phóng mặt bằng trắng, hạn chế thấp nhất việc khiếu kiện kéo dài của người dân, sẽ khó khăn cho toàn dự án. Bên cạnh đó, cần có khu tái định cư trước công tác giải tỏa để cho người dân bị di dời có nơi ổn định. 11.905 hộ không phải là ít...”

Để đảm bảo tiến độ, chất lượng triển khai dự án, đại biểu Trần Đình Gia đoàn Hà Tĩnh kiến nghị cần tạo cơ chế đặc thù như áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ và gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư; kèm theo yêu cầu tiết kiệm dự toán giá trị gói thầu; gắn với đó là hình thức thưởng tiến độ từ kinh phí tiết kiệm

Ông Trần Đình Gia - Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh: "Cũng cần phải có cơ chế đặc thù trong việc hoàn thiện các hồ sơ thủ tục như quyết định chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật, kể cả giải phóng mặt bằng. Phải có một cơ chế đủ mạnh để thực hiện. Chính phủ trình và Quốc hội tạo điều kiện để có cơ chế đặc thù trong việc triển khai dự án này".

Các đại biểu cũng cho rằng, khó khăn lớn nhất của các địa phương hiện nay là tình trạng thiếu nguyên vật liệu và giá cao nên việc hoàn thành, đúng tiến độ là rất khó khăn. Do đó đề nghị Chính phủ cần có giải pháp đồng bộ khi đưa vào thi công, đảm bảo đúng tiến độ.