• 1971 lượt xem
  • 21:09 10/07/2022
  • Xã hội

Cần chính sách đặc thù cho "nghề cai nghiện"

Chăm sóc bệnh nhân đã khó, nhưng người bệnh là các con nghiện ma túy lại càng khó hơn gấp bội bởi di chứng nặng nề về thần kinh sau thời gian dài sử dụng các chất cấm. Xin được gọi việc làm tại các trung tâm cai nghiện bắt buộc là nghề cai nghiện và các cán bộ, y bác sĩ ở đó rất cần những cơ chế chính sách đặc thù để có thể tiếp tục gắn bó với công việc. Ghi nhận tại thành phố Đà Nẵng.

Đây là một học viên nghiện ma túy đá nhiều năm, có nhiều tiền sự về gây rối trật tự công cộng, được đưa vào cơ sở xã hội này. Thời gian đầu thực hiện cắt cơn, điều trị với những trường hợp nghiện nặng như thế này rất khó khăn, vì học viên còn bị ảo giác, có nhiều hành vi kích động, chỉ khi tỉnh táo, học viên mới hợp tác.

Học viên cai nghiện: “Bị rối loạn suy nghĩ, lệch lạc, trèo lên nóc nhà nhảy xuống, trèo lên hàng rào B40 nhảy xuống. Bây giờ muốn ở đây để tập luyện thể thao, lao động để sớm được về với cộng đồng." 

Học viên lúc bị ảo giác thậm chí có xu hướng tự tử, tấn công người xung quanh trong trạng thái kích động, nhưng trung tâm không có lực lượng hỗ trợ để trấn áp hoặc cưỡng chế khi cần thiết. Nghị định 116/2021 quy định một số điều của Luật Phòng chống ma túy quy định lực lượng công an cấp huyện hỗ trợ, hoặc khi xảy ra sự việc ngoài khả năng xử lý thì trung tâm mới được báo cho Sở Lao động, Thương binh và Xã hội để phối hợp công an địa phương giải quyết.

Bác sĩ LƯU VĂN DŨNG, Cơ sở xã hội Bầu Bàng, Sở LĐ-TB&XH TP. Đà Nẵng:Xác định tình trạng nghiện lúc ban đầu rất khó khăn vì đối tượng không hợp tác, không nói thật về quá trình sử dụng, liều lượng sử dụng. Khi vào đây thì bị rối loạn tâm thần, rối loạn hành vi, xuất hiện ảo giác, nên khó xác định trong quá trình điều trị."

Chị NGUYỄN PHAN TUYẾT TRINH, Cơ sở xã hội Bầu Bàng, Sở LĐ-TB&XH TP. Đà Nẵng: “Có lần, em với một chị trực, có học viên tên Hà gọi điện thoại về cho gia đình như thế nào đó mà kích động, đập vỡ gương trong phòng, cắt tay tự tử. Lúc đó, em cũng quýnh, phải gọi ngay cho trực ban, phòng y tế cấp cứu. Quản lý cũng vất vả, đôi lúc phải dỗ ngọt, tránh kích động."

Đà Nẵng có lẽ là một trong số ít địa phương dành nhiều nguồn lực cho cơ sở cai nghiện bắt buộc theo Nghị định 116/2021. Tuy nhiên, với sự gia tăng cả về số lượng người nghiện lẫn tác hại của các loại ma túy mới, rất cần những chính sách đặc thù đối với người làm nhiệm vụ trong các cơ sở cai nghiện cũng như bổ sung lực lượng an ninh trực tiếp tại cơ sở.

Ông LƯƠNG VĨNH THÁI, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội thành phố Đà Nẵng: “Đối với các cơ sở cai nghiện ma túy công lập trên địa bàn, chúng tôi cũng đã rà soát cơ sở vật chất, nhân lực, từ đó lập tờ trình đề xuất cơ sở vật chất còn thiếu theo Nghị định 116 đưa ra."

Nhiều gia đình người nghiện thậm chí bỏ rơi người thân mình trong các cơ sở cai nghiện, phó mặc cho đội ngũ y bác sĩ. Nếu không có sự quyết tâm bám trụ với nghề, có lẽ sẽ không ít người bỏ cái việc mà khi nhắc tới đã thấy gian nan – nghề cai nghiện.

Việt Hà