Cam kết chịu trách nhiệm nếu không tiêm vắc-xin COVID-19 nhắc lại, Bộ Y tế nói gì?

Mới đây, Bộ Y tế cho rằng người dân cần cam kết chịu trách nhiệm khi để lây lan dịch Covid-19 nếu không tiêm vắc-xin nhắc lại. Theo đó, Bộ Y tế cũng đề nghị địa phương thực hiện theo đúng thông báo. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có mẫu hướng dẫn cụ thể cam kết thống nhất trên toàn quốc về việc chịu trách nhiệm nếu không tiêm vắc-xin Covid-19, để lây lan dịch bệnh.

Đại diện Cục Y tế Dự phòng Bộ Y tế cho biết, thời gian qua việc triển khai tiêm vắc xin phòng ngừa Covid-19 mũi nhắc lại gặp một số khó khăn do tâm lý chủ quan của người dân . Vì vậy, cần thiết phải có sự cam kết với chính quyền và người dân trong việc thực hiện tiêm vắc xin phòng bệnh. 

GS.TS PHAN TRỌNG LÂN, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế: "Về vấn đề ký cam kết nêu rõ trách nhiệm của các bên là cần thiết, đặc biệt là chính quyền địa phương với người dân để rõ hơn trong các hoạt động của mình, về các biến thể mới cũng như là vấn đề hiệu quả của Vaccine cũng như ứng phó trong thời gian tới.”

Việc yêu cầu người dân ký cam kết là các địa phương thực hiện. Tuy nhiên, Bộ Y tế chỉ đặt vấn đề người dân chịu trách nhiệm nếu để lây lan dịch bệnh chứ chưa có hướng dẫn xử lý cụ thể cho địa phương.

Bà LÊ THỊ HỒNG,Thành phố Thanh Hóa: “Mong muốn chúng tôi phải cam kết nếu như không tiêm mà dịch bệnh xảy ra phải chịu trách nhiệm vậy thì sau khi chúng tôi tiêm thì di chứng xảy ra thì ai chịu trách nhiệm với chúng tôi. Cho nên chúng tôi rất mong muốn có hướng dẫn cụ thể đến địa phương để cho chúng tôi và cũng phải có ngoại lệ. Ví dụ người ta bị huyết áp cao mà chưa thể tiêm được nhưng nhỡ bị Covid mà người ta lây thì ai chịu trách nhiệm cho người ta. Đây là những băn khoăn lo lắng.”

Ông NGUYỄN HỒ DOÃN,Thành phố Hà Nội: “Giữa chính quyền, người dân và Bộ Y tế phải thống nhất một cái quy định là: nếu như người dân không tiêm thì dịch bênh xảy ra thì người dân đó phải chịu trách nhiệm thư thế nào. Ngược lại người dân tiêm mà xảy ra vấn đề gì thì Bộ y tế và chính quyền can thiệp và xử lý đến đâu. Nếu việc này được thông suốt thì chắc chắn người dân cũng sẽ ủng hộ.”

Các cơ quan chuyên môn trực thuộc Bộ Y tế là Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương khẳng định, quan trọng nhất giai đoạn này là truyền thông cho người dân tiêm nhắc mũi 3, 4.

PGS.TS DƯƠNG THỊ HỒNG, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương: “Chúng tôi vẫn khẳng định là làm sao phải truyền thông cho người dân để người dân hiểu được tầm quan trọng của việc tiêm nhắc lại mũi 3. Bởi vì, trong thời gian qua có hơn 40 triệu liều vaccine tiêm mũi thứ 3 và hơn 3,4 triệu liều tiêm mũi thứ 4. Phản ứng cơ bản sau tiêm tương tự như mũi 1, 2, thậm chí thấp hơn và chúng ta phải chuyển tải thông điệp tin tưởng để người dân tiêm chủng.”

Cũng theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, hiện tại việc phân bổ vaccine mới khoảng 30% đối tượng. Tới đây, viện tiếp tục phân bổ vaccine bảo đảm nhu cầu tiêm cho người dân. 

Ngô Trang