• 1552 lượt xem
  • 15:26 01/08/2022
  • Văn hóa

Cái khó nhất và mới nhất của Luật Điện ảnh hiện nay là quản lý phim trên mạng

Hoạt động phổ biến phim nói chung và hoạt động phổ biến phim trên mạng nói riêng là một trong những nội dung quan trọng được các Đại biểu Quốc hội khóa XV bàn thảo kỹ lưỡng trước khi Luật Điện ảnh sửa đổi 2022 được thông qua ngày 15/6/2022. Tuy nhiên, hiện nay đang có sự chồng chéo trong vấn đề quy định cơ quan quản lý hoạt động phổ biến phim nếu như nghị định dưới luật chưa được sửa đổi.

Theo luật sư Hà Thị Kim Liên, hiện nay đang có sự chồng chéo trong vấn đề cơ quản lý hoạt động phổ biến phim. Cụ thể: Luật Điện ảnh sửa đổi 2022 quy định Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch là cơ quan quản lý hoạt động phổ biến phim tại rạp chiếu phim, địa điểm công cộng, phim phổ biển trên truyền hình và cả không gian mạng. Tuy nhiên, phim trình chiếu trên không gian mạng và trên truyền hình lại cũng thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định 06/2016/NĐ-CP và thuộc phạm vi quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT).

LS. HÀ THỊ KIM LIÊN – Trưởng Chi nhánh Văn phòng Phan Law Vietnam tại Hà Nội: “Điều này có thể dẫn đến khó khăn trong việc quản lý nội dung bởi vì bản chất thì dù là phim hay những chương trình phát sóng khác như truyền hình thực tế, game show thì việc quản lý cũng nên nhắm đến kiểm soát thông tin mà nội dung đó truyền tải nền tảng phát sóng là không gian mạng, truyền hình. Vậy nên cần phải có sự thống nhất trong việc kiểm soát thông tin mà nội dung đó truyền tải, cần quy về một mối quản lý theo đúng chức năng đó là Bộ TTTT.”

Ông VI KIẾN THÀNH – Cục trưởng Cục Điện ảnh Việt Nam: “Cái mấu chốt, khó nhất và mới nhất của Luật Điện ảnh hiện nay chính là quản lý phim trên mạng. Nội dung này trong quá trình xây dựng có rất nhiều ý kiến khác nhau.”

OTT trong nước đang chịu sự quản lý của Nghị định 06/2016, theo đó, doanh nghiệp OTT trong nước bắt buộc phải xin giấy phép cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền, thiết lập hạ tầng kỹ thuật và phải thực hiện việc biên tập và kiểm duyệt nội dung trước khi phát sóng. Trong khi đó, doanh nghiệp OTT nước ngoài phổ biến phim trên không gian mạng thì chỉ phải tự phân loại phim theo quy định của Luật Điện ảnh 2022 khi có hiệu lực thi hành.

LS. HÀ THỊ KIM LIÊN – Trưởng Chi nhánh Văn phòng Phan Law Vietnam tại Hà Nội: “Các cơ quan quản lý nhà nước cần đưa ra những giải pháp nhất định để đảm bảo rằng các nội dung chuyển tải trên internet hay trên truyền hình cần có sự thống nhất về mặt nội dung cũng như về mặt quản lý trong trường hợp có sự vi phạm thì có những chế tài nhằm đảm bảo rằng những nội dung chuyển tải là đúng theo những quy định của pháp luật Việt Nam.”

Đã đến lúc, Chính phủ cần sửa đổi Nghị định 06/2016 NĐ – CP bởi lẽ, việc thống nhất cơ quan quản lý đối với hoạt động phổ biến phim trên mạng là vô cùng cần thiết, ngoài ra cần đảm bảo sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp OTT trong nước và nước ngoài khi hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. 

Hạnh Thủy