Cải cách tư pháp phải đồng bộ với đổi mới lập pháp và cải cách hành chính

Sáng 17/01, tại Đà Nẵng, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án "Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045" tổ chức Hội thảo quốc gia với chủ đề “Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả cải cách tư pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”.

Đây là hội thảo quốc gia lần thứ hai của Ban Chỉ đạo, tiếp sau hội thảo lần thứ nhất tổ chức tháng 12/2021 với chủ đề “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam”.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo đề án nhấn mạnh Hội thảo được tổ chức vào thời điểm rất có ý nghĩa, khi cả nước vừa thực hiện thành công các nhiệm vụ công tác năm 2021, năm đầu tiên triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, trong bối cảnh đất nước gặp nhiều khó khăn, thách thức lớn do đại dịch Covid-19 gây ra. Trong năm 2021, các cơ quan, tổ chức có liên quan rất tích cực triển khai việc xây dựng Đề án. Trong đó, xây dựng Chiến lược cải cách tư pháp là một trong những nội dung trọng tâm của Đề án. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, công tác cải cách tư pháp đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng.

Bên cạnh kết quả đạt được, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các đại biểu đánh giá công tác cải cách tư pháp thời gian qua vẫn còn những hạn chế, bất cập. Vẫn tồn tại cách hiểu chưa thống nhất về nội hàm tư pháp; quyền tư pháp; cơ quan tư pháp; độc lập tư pháp; kiểm soát quyền lực tư pháp, cùng với đó là nhiều vấn đề tồn tại trong thực tiễn. 

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng đề án: “Về hoạt động thực tiễn, một số nhiệm vụ, giải pháp cải cách tư pháp đề ra trong Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị đến nay vẫn được cho là đúng đắn nhưng chưa được thực hiện hoặc có thực hiện nhưng chưa thực sự hiệu quả; nhất là trong cải cách tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp; trong xây dựng và thực hiện cơ chế phân công, phối hợp kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan trong hoạt động tư pháp; trong đổi mới thủ tục hành chính trong các cơ quan tư pháp; công tác đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ có chức danh tư pháp chưa đáp ứng yêu cầu giải quyết những vấn đề pháp lý quốc tế... Bên cạnh đó, nhiều vấn đề mới, chưa có tiền lệ phát sinh trong bối cảnh diễn biến mau lẹ, khó dự báo của tình hình thế giới và khu vực, sự tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện của đất nước... cũng đòi hỏi công tác cải cách tư pháp cần phải tiếp tục được đẩy mạnh để đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tình hình mới”.

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, cải cách tư pháp phải nhất quán, thường xuyên và liên tục, đặc biệt, đòi hỏi yếu tố độc lập tư pháp, độc lập của Tòa án là tiên quyết; nói đến quyền tư pháp thì chỉ có Tòa án, điều này được hiến định trong Hiến pháp 2013, các cơ quan tổ chức cá nhân như Viện kiểm sát nhân dân, điều tra, giám định chỉ là các bên tham gia vào hoạt động tư pháp, đồng thời đề nghị Nghị quyết Trung ương sắp tới cần xác định rõ đối tượng của cải cách tư pháp là Tòa án.

Phát biểu kết luận Hội thảo, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc – Trưởng ban chỉ đạo xây dựng đề án khẳng định, qua thảo luận cơ bản thống nhất một số quan điểm cải cách tư pháp trong thời gian tới, đó là cải cách tư pháp phải đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện, chặt chẽ của Đảng, giữ vững bản chất Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân; phải có quyết tâm chính trị cao để vượt qua thách thức, loại bỏ định kiến, rào cản nhận thức và tư tưởng cục bộ; cải cách tư pháp phải được tiến hành đồng bộ với đổi mới lập pháp và cải cách hành chính; cải cách tư pháp hướng tới bảo đảm độc lập của tư pháp.

Chủ tịch nước NGUYỄN XUÂN PHÚC - Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng đề án: “Cải cách tư pháp phải kế thừa những thành tựu đã đạt được của nền tư pháp Việt Nam xã hội chủ nghĩa, tiếp thu có chọn lọc các giá trị tiến bộ, những kinh nghiệm quý của các quốc gia phù hợp với điều kiện Việt Nam và yêu cầu chủ động hội nhập quốc tế, phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới. Cải cách tư pháp phải được tiến hành khẩn trương, đồng bộ, toàn diện; xác định rõ những nội dung trọng tâm, trọng điểm; có chương trình kế hoạch, lộ trình cải cách phù hợp; xác định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện cải cách tư pháp”.

Chủ tịch nước yêu cầu Tổ Biên tập xây dựng Đề án tổng hợp đầy đủ các ý kiến của các đại biểu, tiếp thu tối đa các đề xuất, kiến nghị về mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp cải cách tư pháp mà các chuyên gia, nhà khoa học đã đưa ra để hoàn thiện dự thảo Đề án.