Các nước gác lại bất đồng để hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ, Syria

Hiện hàng hoá cứu trợ và lực lượng cứu hộ vẫn tiếp tục được đưa vào hai nước chịu ảnh hưởng nặng nề của trận động đất là Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Một số bất đồng về ngoại giao cũng tạm được gác lại để tập trung cho việc cứu người.

Hy lạp là một trong những quốc gia gửi hàng cứu trợ và cử đội cứu hộ sớm nhất qua Thổ Nhĩ Kỳ. Chỉ ít giờ sau thảm hoạ, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis đã ngay lập tức đề nghị hỗ trợ nước láng giềng, trong cuộc đối thoại hiếm hoi với nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ sau nhiều tháng. Căng thẳng giữa hai nước gia tăng trong thời gian gần đây vì nhiều bất đồng. Thậm chí Ankara còn doạ sử dụng biện pháp quân sự đối với Athen vì vấn đề chủ quyền. Hai nước cũng từng tiến gần tới chiến tranh trong quá khứ. Nhưng cũng giống như trận động đất xảy ra vào năm 1999, dư luận hy vọng việc chung tay vượt qua thảm hoạ, hay còn được ví von là "ngoại giao động đất", sẽ giúp cải thiện quan hệ hai nước.

Trong động thái mới nhất, Ngoại trưởng Hy Lạp hôm nay đã tới Thổ Nhĩ Kỳ để thúc đẩy nổ lực cứu trợ, trở thành quan chức châu Âu đầu tiên làm điều này sau thảm hoạ.

Những ngày qua, lực lượng cứu hộ từ Israel liên tiếp tìm thấy người sống sót trong đống đổ nát của những toà nhà, và hành động của họ đã được ghi lại. Israel cũng nằm trong số các nước đầu tiên ngỏ ý giúp đỡ Thổ Nhĩ Kỳ. Chỉ mới 6 tháng trước, Israel và Thổ Nhĩ Kỳ khôi phục quan hệ ngoại giao đã bị rạn nứt cả thập kỉ.

Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin, Thổ Nhĩ Kỳ và Armenia đã mở lại đường biên giới trên bộ sau hơn 3 thập kỉ cho các chuyến xe cứu trợ từ Armernia. Giống như Israel, Thổ Nhĩ Kỳ và Armenia mới cải thiện quan hệ trong những năm gần đây do bất đồng trong quá khứ.

Hình Syria Còn đối với Syria, Bộ Tài chính Mỹ tuần qua công bố miễn trừ trừng phạt trong 6 tháng đối với hoạt động viện trợ nhân đạo ở Syria, nói rằng các lệnh trừng phạt của Mỹ ở Syria "sẽ không cản trở" các nỗ lực cứu trợ động đất. Các nước đồng minh của Mỹ ở Trung Đông cũng tuyên bố hỗ trợ cho Đa-mát. Các nhà phân tích cho rằng một số mối quan hệ căng thẳng trong khu vực có thể dịu đi sau thời kỳ khủng hoảng và trong quá trình phục hồi.