• 1790 lượt xem
  • 02:48 30/06/2022
  • Văn hóa

Các chuyên gia nói gì trước việc cầu Long Biên đang sụt lún, xuống cấp?

Hơn 1 thế kỷ qua, dẫu cho bao thăng trầm, biến cố, cầu Long Biên vẫn luôn là một trong những dấu ấn lịch sử đặc biệt của Thủ đô Hà Nội. Hiện mặt đường cầu Long Biên đang sụt lún, xuống cấp. Theo các chuyên gia, việc khắc phục lỗi phát sinh, duy tu hàng ngày không đủ để giữ lại công trình có giá trị lịch sử, di sản và kiến trúc đặc biệt này mà cần phải bảo tồn và có một kế hoạch phục hồi tổng thể.

Cầu Long Biên với hơn 120 năm tuổi được biết đến như một biểu tượng của Hà Nội, một chứng nhân lịch sử chứng kiến những thăng trầm của Thủ đô. Được xây dựng cách đây hơn 1 thế kỷ, sự xuống cấp ngày càng thấy rõ, khi mới đây chỉ trong vòng 1 tháng, cầu Long Biên đã xảy ra tới 2 lần thủng mặt cầu gây nguy hiểm cho các phương tiện qua lại.

Bà BÙI KIM MAI, thành phố Hà Nội: “Cầu Long Biên gắn bó với tôi từ lâu, đây là một biểu tượng của Thủ đô Hà Nội, cầu Long Biên xuống cấp thì cần phải trùng tu, nhưng trùng tu theo hướng nào để vẫn giữ được giá trị chứ không bị biến dạng…".

Trước thực trạng xuống cấp của cầu Long Biên hiện nay, các chuyên gia cho rằng, việc đầu tiên và quan trọng nhất vẫn là chống sập bằng cách kiểm tra lại toàn bộ phần cầu cũ, nguy hiểm, có thể giảm luồng đường, tránh những tấm bê tông có thể rơi xuống, gây nguy hiểm không chỉ cho người đi trên cầu mà cả tàu, thuyền ở dưới sông. Công việc tiếp sau đó là khẩn trương tiếp quản dự án của Chính phủ đã giao cho thành phố Hà Nội để nghiên cứu làm lại đường sắt số 1 qua cầu Long Biên, từ ga Hà Nội tới Yên Viên.

Ông NGUYỄN TIẾN CÔNG, chuyên gia kết cấu hạ tầng cầu đường: Hiện có 9 nhịp cũ ta phải bảo tồn, gia cố, thậm chí phải thay thế để giữ lại dáng vẻ ban đầu, bản gốc của cầu Long Biên. Còn dầm nhịp đang dùng thì chúng ta có thể thay thế bằng thép hiện đại….”.

KTS TRẦN HUY ÁNH, Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội: “Để bảo tồn cầu Long Biên nguyên dạng có rất nhiều vấn đề cần tiếp cận, không chỉ là sắt thép, hình dáng mà còn là nền móng, kết cấu. Quan trọng hơn tất cả là tính thích dụng vì nó vừa là nhân chứng của bảo tồn đô thị nhưng chính nó lại tham gia các hoạt động của đô thị hàng ngày thì nó mới thật sự được bảo tồn”.

Ngoài việc bảo tồn di sản, việc đảm bảo giao thông đi lại cho người dân giữa hai đầu cầu cũng rất quan trọng. Do vậy, việc bảo tồn di tích cầu Long Biên không nên quá máy móc, bảo tồn ngay một lúc, thay vào đó tùy thuộc vào mục đích sử dụng có thể tạo ra sự linh hoạt, vừa  giữ gìn quá khứ, vừa đảm bảo lợi ích cho cuộc sống hiện tại.

PGS.TS BÙI HOÀI SƠN - Ủy biên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội: Chúng ta cần linh hoạt trong câu chuyện này, không nên máy móc bảo tồn nó ngay một lúc để có một cái chuẩn nhất có thể và cho một mục đích duy nhất có thể. Mà chúng ta cần tạo ra một sự linh hoạt để từ đó chúng ta có thể thấy được sự khả thi trong việc bảo tồn di sản, vừa giữ quá khứ, giữ gìn những giá trị mà chúng ta muốn tôn vinh nhưng đồng thời cũng bảo đảm cho cuộc sống hiện đại”.

Các chuyên gia cũng cho rằng, cho dù phương án nào cũng phải bảo tồn nguyên vẹn giá trị di sản cầu Long Biên, với cảnh quan bầu trời, sông nước, bãi bồi và không gian công cộng. Giá trị di sản đô thị được nhìn nhận trong quan hệ với các thành phần khác để tạo ra một tổng thể, luôn luôn thích nghi, vì vậy phải can thiệp để nó bền vững với thời gian.

Thanh Hải