• 1117 lượt xem
  • 14:27 21/09/2022
  • Xã hội

Cà Mau: Chuyển đổi số lấy người dân làm trung tâm

Thực hiện đề án chuyển đổi số, tỉnh Cà Mau đưa ra mục tiêu chuyển đổi số lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, đồng thời đưa ra nhiều giải pháp. Trong đó triển khai app phản ánh hiện trường trên ứng dụng CaMau-G được xem là công cụ giúp người dân, doanh nghiệp tương tác với cơ quan Nhà nước nhanh chóng, thuận tiện thông qua điện thoại thông minh.

Chính thức vận hành từ đầu tháng 7, đến nay app ứng dụng Cà Mau- G đã tiếp nhận gần 200 phản ánh của người dân. Hầu hết các phản ánh đều được cơ quan chức năng giải quyết kịp thời.

Anh CHÂU VĨNH TRINH, Phường 8, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau: "Thời đại công nghệ số mà nên cứ lên đó mà phản ánh thôi, chính quyền sẽ giải quyết cho mình, tiết kiệm thời gian."

Anh ĐỖ MINH QUÂN, Phường 8, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau: "Ứng dụng này thì có thể xử lý được việc đóng tiền điện, nước và ý nghĩa nhất là phản ánh tình hình ở địa phương. Rất tiện ích."

Theo đó, Cổng Thông tin điện tử là nơi tiếp nhận nội dung phản ánh trực tiếp từ tổ chức, cá nhân thông qua app ứng dụng Ca Mau-G. Sau đó chuyển cho cơ quan chuyên môn xem xét xử lý và trả lời cho người phản ánh. Đặc biệt, thông tin của người phản ánh sẽ được bảo mật.

Ông HUỲNH VĂN THÁI, Giám đốc Cổng Thông tin điện tử tỉnh Cà Mau: "App có các tính năng: Tính năng phản ánh hiện trường, cho phép người dân phản ánh trực tiếp gửi đến Cổng TTĐT. Tính năng tổng hợp các ý kiến phản ánh được tiếp nhận, hiển thị theo lĩnh vực và tình trạng xử lý. Tính năng về cá nhân để người dân theo dõi phản ánh của người có được xử lý chưa. Tính năng thống kê các phản ánh theo lĩnh vực trong năm."

Đề án chuyển đổi số tỉnh Cà Mau đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu lấy người dân làm trung tâm.

Ông NGUYỄN VĂN ĐEN, Phó Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Cà Mau: "Việc lấy người dân làm trung tâm để phục vụ trong chuyển đổi số là mục tiêu bao trùm của đề án chuyển đổi số của tỉnh Cà Mau. Trong đó, sẽ tối ưu hóa hệ thống thông tin thủ tục hành chính của tỉnh hướng đến người dùng, tạo thuận lợi cho người dân. Thứ hai là thúc đẩy triển khai nền tảng số, giải quyết các vấn đề của người dân."

Xây dựng chính quyền điện tử làm nền tảng hướng tới chính quyền số được tỉnh Cà Mau xác định là nhiệm vụ quan trọng nhằm hiện đại hoá nền hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp, góp phần cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Công Tràng