Cả buôn làng đổi thay nhờ con đường Trường Sơn Đông

Tuyến đường Trường Sơn Đông là trục dọc giao thông giữa Quốc lộ 1A ở phía Đông và đường Hồ Chí Minh ở phía Tây, đi qua 19 huyện thuộc 7 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên với chiều dài hơn 666Km. Tại nhiều địa phương, các đoạn tuyến đã hoàn thành đưa vào sử dụng đã góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo cho các buôn làng.

Ngồi bên căn nhà dài cạnh đường tuyến đường Trường Sơn Đông chạy qua buôn Ea Lai, xã Krông Jing, huyện M’Đrắk , tỉnh Đắk Lắk, chị H’Sra Bya nhớ như in, khoảng hơn 10 năm trước, đây vẫn là con đường đất, mỗi khi nắng thì bụi, mưa thì lầy lội khiến việc đi lại của người dân trong buôn gặp muôn vàn khó khăn. Từ khi tuyến đường được đầu tư, đưa vào sử dụng, việc đi lại giao thương của bà con vô cùng thuận lợi.

Chị H’SRA BYA - Buôn Ea Lai, xã Krông Jing, huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk: “Ngày xưa khi còn là con đường đất, bà con đi lại khó khăn lắm. Từ khi được Nhà nước đầu tư đường bê tông, việc đi của bà con rất thuận lợi, thoải mái. Bà con vui lắm.”

Xã Krông Jing có hơn 90% là hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, nhiều thôn buôn có điều kiện kinh tế còn gặp khó khăn. Sau khi tuyến đường Trường Sơn Đông được đầu tư qua địa bàn, bộ mặt buôn làng ngày càng khang trang.

Ông Y THIẾU BYA - Chủ tịch UBND xã Krông Jing, huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk: “Khi có đường Trường Sơn Đông đi qua địa bàn xã Krông Jing, thứ nhất rất thuận lợi cho bà con trong việc đi lại; thứ hai các mặt hàng sản xuất của bà con, thương lái vào tận thôn buôn thu mua rất thuận tiện, có thể giao lưu hàng hóa với các địa phương, không bị ép giá. Bà con rất vui mừng khi có con đường đi qua.”

Còn tại xã Krông Á của huyện M’Đrắk, trước đây, người dân tại các thôn, buôn mỗi khi muốn ra trung tâm xã phải đi cả tiếng đồng hồ. Nông sản sản xuất ra bị thương lái ép giá. Nay, người dân chỉ việc chở nông sản ra ven đường để bán. 

Anh PHÙNG VĂN ĐÔNG - Thôn 5, xã Krông Á, huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk: “Tôi sống ở đây từ năm 1995 đến giờ, trước đây là con đường đất, ra xã chỉ mấy cây nhưng đi lại khó khăn. Từ khi Nhà nước đầu tư đường Đông Trường Sơn, bà con đi lại, các cháu đi học rất thuận lợi, lúa sản xuất ra chỉ cần chở ra đường là có thương lái đến mua.”

Ông TRẦN VĂN HÔNG - Phó Chủ tịch HĐND xã Krông Á, huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk: “Từ khi có tuyến đường này, bộ mặt của xã thay đổi, đời sống nhân dân được phát triển. Trước kia đường sá đi lại khó khăn, nông sản bà con sản xuất ra bị thương lái ép giá. Khi có tuyến đường nông sản được giá, giao thông thuận tiện, sản xuất thì tăng lên, hộ nghèo cũng giảm xuống từng năm, đời sống người dân ngày một đi lên.”

Đường mòn Trường Sơn Đông huyền thoại năm xưa cùng với đồng bào các dân tộc sinh sống trên dải Trường Sơn hùng vĩ, một lòng đoàn kết, theo Đảng, theo Bác Hồ, đã góp phần vào công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sau 60 năm kể từ ngày mở đường, con đường huyền thoại ấy lại tiếp tục được Nhà nước đầu tư mở rộng, kết nối những vùng đất khó khăn, góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống người dân.

Văn Lệ