BRICS kêu gọi đồng thuận toàn cầu về chính sách kinh tế

Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 14 Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS - bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) vừa thông qua Tuyên bố Bắc Kinh, trong đó kêu gọi các tổ chức tài chính đa phương và các tổ chức quốc tế đóng vai trò xây dựng trong nỗ lực đạt được sự đồng thuận toàn cầu về chính sách kinh tế và ngăn ngừa những rủi ro mang tính hệ thống.

Các nhà lãnh đạo Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới BRICS đã kêu gọi các nước phát triển hàng đầu thế giới phát triển nền kinh tế của mình một cách có trách nhiệm và phi chính trị để tránh những hậu quả nghiêm trọng cho các nước đang phát triển. 

Các nhà lãnh đạo BRICS tái khẳng định sự ủng hộ dành cho một hệ thống thương mại đa phương mở, minh bạch, bao trùm, không phân biệt đối xử, đồng thời nhấn mạnh nỗ lực của BRICS nhằm tăng cường hợp tác với các nước đang phát triển và thị trường mới nổi khác.

Tổng thống Nga VLADIMIR PUTIN: “BRICS đang tăng cường hợp tác trong nhiều vấn đề của chương trình nghị sự quốc tế và khu vực. Ảnh hưởng toàn cầu của các nước BRICS đang tăng lên hàng năm. Với tiềm lực to lớn về chính trị, kinh tế, khoa học và xã hội, chúng ta có cơ hội để làm việc hiệu quả cùng nhau và phát triển ổn định, đảm bảo an ninh toàn cầu, tăng trưởng bền vững, thịnh vượng và cải thiện hạnh phúc của người dân.”

Chủ tịch Trung Quốc TẬP CẬN BÌNH: “Với tư cách là đại diện của các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển, chúng ta phải đưa ra quyết định đúng đắn và thực hiện các hành động có trách nhiệm vào thời điểm quan trọng của lịch sử. Những gì chúng ta làm sẽ có tác động đáng kể đến thế giới. Chúng ta hãy đoàn kết, tổng hợp sức mạnh và phát triển xây dựng một cộng đồng có tương lai chung cho nhân loại và chung tay kiến tạo tương lai tươi sáng cho nhân loại.”

Các nhà lãnh đạo BRICS kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường quan hệ đối tác, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường phối hợp chính sách kinh tế vĩ mô để đưa nền kinh tế toàn cầu thoát khỏi khủng hoảng và xây dựng một nền kinh tế phục hồi sau đại dịch một cách mạnh mẽ, bền vững, cân bằng và bao trùm.

Hồng Nhung