Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: "Biến hành lang giao thông thành hành lang kinh tế"

Sáng 10/06 Quốc hội thảo luận ở hội trường về Chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh. Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành sự cần thiết cấp bách đầu tư, khẳng định đây là 2 dự án rất quan trọng thúc đẩy liên kết vùng, phát triển đô thị hóa, góp phần mở rộng không gian phát triển.

 Đại biểu nêu thực tế, khi 2 đường vành đai được hình thành sẽ mở ra nhiều quỹ đất dọc theo tuyến. Mới chỉ nghe dư luận Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận về 2 Dự án đường Vành đai thì trong vòng vài 3 tháng qua đất đai ở khu vực này đã sôi động lên và giá tăng lên rất nhiều lần. Đây là một nguồn lực rất lớn nếu chúng ta không có biện pháp khai thác hiệu quả thì nguồn lực này sẽ bị lãng phí. Do đó cùng với việc phê duyệt chủ trương xây dựng tuyến đường, đại biểu đề nghị Chính phủ đề xuất với Quốc hội có một cơ chế đặc thù để khai thác hợp lý nguồn lực này.

Ông HOÀNG VĂN CƯỜNG - Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội: “Cùng với việc quy hoạch chi tiết xây dựng các tuyến đường vành đai thì nên quy hoạch đồng thời khu vực 2 bên đường, để hình thành nên các khu đô thị hiện đại, các trung tâm thương mại, các trung tâm phân phối, các trung tâm trung chuyển hàng hóa và các hệ thống đường, không chỉ là 2 đường song hành như là trong đề án đề xuất, kể cả các hệ thống đường kết nối trong khu vực. Sau đó thì tổ chức đấu thầu các dự án này, cùng với đấu thầu việc xây dựng hệ thống đường đó, chúng ta làm việc này sẽ khác so với việc thực hiện các dự án BT trước đây. BT trước đây là dạng đổi đất lấy hạ tầng, còn đây là chúng ta thực hiện cơ chế thị trường để đấu thầu các dự án và đấu thầu các công trình xây dựng. Nếu làm được việc đó thì chúng ta sẽ có được các khu đô thị hình thành lên là những đô thị hiện đại. Chúng ta sẽ khai thác nguồn lực, tránh để nó phát triển tự phát".

Tán thành với đề xuất này, đại biểu Lê Thanh Vân nhận định, đã đến lúc chúng ta phải nhận thức về hiệu quả của đầu tư công không chỉ là về giao thông mà đằng sau đó là địa tô chênh lệch do nhà nước tạo ra từ hoạt động đầu tư công.

Ông LÊ THANH VÂN - Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau: “Lâu nay chúng ta không đánh giá vấn đề này cho nên mất đi một nguồn lực quan trọng, đó là thu được chênh lệch địa tô từ tác động kinh tế của dự án. Vì vậy, tôi đề nghị Chính phủ cần phải song hành với việc triển khai dự án là xây dựng các dự án liên kết khai thác quỹ đất ở hành lang của các dự án giao thông này, đặc biệt là khu đô thị, khu công nghiệp và cả những khu vực đất cho thuê để khai thác giá trị địa tô, thu về cho ngân sách bù đắp cho chi phí làm đường”

Dưới góc độ khác, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị cần phải xem xét kỹ lưỡng, nếu khai thác không hợp lý sẽ làm cho các con đường cao tốc trở thành trung tốc và từ trung tốc xuống thành hạ tốc.

Ông TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA - Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh: “Đi các nơi chúng ta không thấy chuyện khai thác quỹ đất trở thành những khu mặt tiền, từ đó chúng ta phải mở như con đường cắm vào các đường cao tốc đó, gây ra mất an toàn và làm cho ô nhiễm về tiếng ồn. Ở nhiều quốc gia, người ta phải xây những bức tường trên các đường cao tốc để ngăn cách với các khu dân cư. Do đó, chuyện khai thác quỹ đất 2 bên đường cao tốc chúng tôi đề nghị phải học tập các nước”.

Giải trình các vấn đề đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng bày tỏ đồng tình với những ý kiến sâu sắc, xác đáng của đại biểu.

Ông NGUYỄN CHÍ DŨNG - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: “Chúng ta không phải chỉ để hình thành một tuyến hành lang giao thông mà phải biến nó thành một hành lang kinh tế, dựa vào đó chúng ta phải quy hoạch, phát triển theo quy hoạch và thu hồi lại các giá trị địa tô tăng lên như đại biểu Lê Thanh Vân có nói, vừa phát triển theo quy hoạch nhưng thu hồi lại giá trị địa tô mà Nhà nước đã tạo ra, thu hồi lại một phần cho ngân sách Nhà nước, đảm bảo giá trị địa tô được chia ra làm 3, một phần của Nhà nước, một phần của nhà đầu tư mà một phần của người dân, đảm bảo hài hòa lợi ích.”

Việc triển khai dự án nếu được tính toán kỹ sẽ tránh đi vào lối mòn của các siêu đô thị trong việc cạnh tranh và thu hút tài nguyên, không gian tắc nghẽn để trở thành những đô thị hiện đại có chức năng dẫn dắt, tạo hiệu ứng lan tỏa, phát triển cả nước.