Bộ trưởng Bộ Tài chính: Thu hồi đất của các dự án chậm tiến độ trên thực tế không dễ

Phản ánh việc nhiều nơi trên cả nước còn tình trạng thiếu đất sản xuất, trong khi đó tình trạng lãng phí trong quản lý, sử dụng, khai thác đất đai vẫn còn tồn tại như dự án treo chậm tiến độ, sai phạm. Các đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương điều tra, rà soát, quản lý chặt chẽ trong phạm vi toàn quốc để tránh thất thoát, lãng phí nguồn lực quan trọng này.

Theo đại biểu Nguyễn Tạo, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng, trong số các nguồn lực thì trực tiếp và dễ nhận diện nhất, đó là nguồn lực về nhà cửa và đất đai đang còn bị lãng phí rất lớn và cũng là vấn đề có tính nhạy cảm cao, không chỉ ảnh hưởng đến nguồn lực phát triển mà còn gây ra nhiều hệ lụy, liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, thất thoát, lãng phí, lợi ích nhóm, lạm dụng chính sách. Điều dễ nhận thấy là qua các vụ án gần đây liên quan đến cán bộ quản lý nhà nước đều có bóng dáng công tác quản lý nhà đất. Dẫn chứng các số liệu báo cáo đoàn giám sát đã tổng hợp về các dự án, công trình chậm hoặc không đưa đất vào sử dụng, nhiều dự án lớn có vướng mắc. Điều đáng chú ý, những việc trên đã được kiến nghị 5 năm liên tục nhưng chưa được các cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý, gây bức xúc trong dư luận xã hội và cử tri.

Ông NGUYỄN TẠO, Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng: "Công tác thu hồi dự án chậm tiến độ, quy hoạch treo và các tài sản sử dụng sai đối tượng, sai mục đích, vượt tiêu chuẩn, định mức sử dụng quỹ nhà tái định cư, nhà ở xã hội và xử lý các sai phạm trong việc rà soát, sắp xếp lại tài sản công vẫn còn xảy ra, ví dụ như trong việc triển khai các kết luận của các cơ quan thanh tra, kiểm toán chậm được triển khai, khắc phục, chưa gắn với trách nhiệm công vụ của người đứng đầu khi có sai phạm xảy ra. Đây là những câu chuyện kéo dài nhiều năm, qua nhiều thời kỳ nhưng chậm được xử lý và trở thành một vấn đề lớn, bất cập trong công tác quản lý tài sản công."

Bên cạnh đó, các ý kiến đại biểu cho rằng, quản lý đất đai ở nhiều nơi còn nỏng lẻo, gây lãng phí. Nhiều nơi trên cả nước còn tình trạng thiếu đất sản xuất, trong khi đó tình trạng lãng phí trong quản lý, sử dụng, khai thác đất đai vẫn còn tồn tại như dự án treo chậm tiến độ, sai phạm.

Ông NGUYỄN HỮU THÔNG, Đaị biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận: "Có thể nói những ai có đất, có nhà trong vùng dự án treo, quy hoạch treo mới thấu hiểu được nỗi khổ của người dân ở đây là những lãng phí vô cùng lớn, thứ nhất là lãng phí về nguồn lực đất đai, làm ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư của địa phương, làm mất cơ hội phát triển của đất nước, nhưng lãng phí lớn hơn đó là làm suy giảm, lãng phí niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, đối với Nhà nước."

Để khắc phục tình trạng vi phạm luật đất đai, các ý kiến đề nghị tăng cường hơn nữa tính răn đe trong việc thực thi pháp luật đất đai thông qua việc kiểm tra, thanh tra toàn diện, thường xuyên hơn, kể cả công tác kiểm tra trước khi tổ chức thực hiện. Cùng với đó là cần minh bạch thông tin đất đai, hoàn thành cơ sở dữ liệu đất đai, không để tình trạng Luật Đất đai đã có hiệu lực mà sau gần 10 năm thực hiện cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia vẫn chỉ là bước đầu xây dựng. Đồng thời, cần quy định một số nguyên tắc cơ bản cho việc khai thác cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, đây cũng chính là cơ sở phòng ngừa chống tham nhũng trong lĩnh vực đất đai.

Ông LÊ THANH HOÀN, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá: "Quyền truy cập, trích xuất thông tin của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra đối với các tổ chức, cá nhân cụ thể về quyền sử dụng đất mà họ và gia đình họ đang có cũng như hồ sơ, nguồn gốc, thời hạn sử dụng đất để người dân có quyền tiếp cận thông tin đất đai, thực hiện quyền giám sát theo quy định của pháp luật. Phải đổi mới phương tiện kỹ thuật thực thi pháp luật đất đai như ứng dụng công nghệ viễn thám và hệ thống thông tin địa lý, hệ thống kiểm tra tài nguyên đất đai di động. Đồng thời, phải cải cách toàn diện, có cơ chế đánh giá hiệu quả hoạt động cán bộ chính quyền địa phương thông qua việc thực thi pháp luật đất đai."

Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài Chính Hồ Đức Phớc thừa nhận việc thu hồi đất của các dự án chậm tiến độ theo Luật Đất đai trên thực tế cũng không dễ. Bởi sau khi có quyết định thu hồi thì cơ chế đền bù hay bồi thường cho những nhà đầu tư đã đầu tư trên đất như thế nào. Hiện nay những quyết định thu hồi ấy chỉ nằm ở trên giấy, không triển khai được ở thực địa.

Ông HỒ ĐỨC PHỚC, Bộ trưởng Bộ Tài Chính: "

Trong Luật Đất đai về vấn đề chậm tiến độ, thu hồi đất khó là vì ta nói thu hồi nhưng thu hồi không dễ. Bởi vì, sau khi có quyết định thu hồi thì cơ chế đền bù hay bồi thường cho những nhà đầu tư đã đầu tư trên đất như thế nào. Hiện nay những quyết định thu hồi ấy chỉ nằm ở trên giấy, không triển khai được ở thực địa. Đây là một vấn đề cần phải có cơ chế. N
hững dự án đang còn dang dở như thanh tra, kiểm tra hoặc kiểm toán có những vướng mắc về mặt thủ tục thì giải quyết như thế nào. Hay dự án BT có nhiều quan điểm cho nên cũng bị chững lại."

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng cần phải có một quy định ở một luật để khẳng định việc này xuyên suốt và giải phóng một nguồn lực hết sức lớn thì mới có thể chống được lạm phát, chống được suy thoái kinh tế và tăng trưởng.