Bộ Nội vụ giải trình tiếp thu về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

Ngay tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã giải trình, tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội xung quanh dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã giải trình thêm về quan điểm, nguyên tắc cơ bản xây dựng dự án luật thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đây là dự án luật khó, có độ phủ rộng, liên quan trực tiếp tới 20 luật hiện hành. Tuy nhiên, quá trình xây dựng phải đảm bảo nguyên tắc lấy nhân dân làm chủ thể.

Bà PHẠM THỊ THANH TRÀ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ: “Thực hành dân chủ, tăng cường pháp chế với kỷ cương xã hội. Đây là nội hàm rất rõ và xuyên suốt. Dân chủ thì gắn với sinh kế, với dân sinh, an ninh quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh và phát triển”. 

Tên gọi, bố cục, quy chế, xử lý vi phạm, vai trò mặt trận và các đoàn thể cũng như nhiều vấn đề liên quan khác sẽ được Bộ Nội vụ tiếp thu, giải trình trong kỳ họp tới. Bên cạnh đó, việc áp dụng thực hiện dân chủ trong doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngoài nhà nước được kế thừa từ Bộ luật Lao động.

Bà PHẠM THỊ THANH TRÀ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ: "Sau khi chúng ta cụ thể hóa Bộ luật Lao động năm 2019, nội dung này khi đưa vào đã kế thừa các quy định nêu trên và không làm thay đổi bản chất quan hệ lao động, không làm ảnh hưởng các bộ luật liên quan, không mâu thuẫn với các điều ước quốc tế về lao động mà Việt Nam tham gia và bảo đảm được mối quan hệ hài hòa, hợp tác cùng phát triển. Nếu doanh nghiệp làm tốt là biện pháp để bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của người lao động và là cơ chế để hỗ trợ thúc đẩy cho doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến của đại biểu, chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện vấn đề này hơn". 

Liên quan tới việc công khai, phương thức công khai, Bộ trưởng cho khẳng định đây là vấn đề quan trọng và được tiếp thu vì đây là việc khởi sự cho phương châm dân biết, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam