Bộ Công Thương, các cơ quan thương vụ tìm giải pháp giúp xuất khẩu vượt khó

Năm nay, các thị trường xuất, nhập khẩu lớn, truyền thống của Việt Nam dự báo bị thu hẹp do tác động của những bất ổn kinh tế, chính trị thế giới… Do đó cần duy trì thị trường truyền thống và phát triển những thị trường mới là mục tiêu của Bộ Công Thương, các cơ quan thương vụ.

Trong đó Bộ Công Thương tiếp tục phát huy vai trò của các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài để tìm kiếm các cơ hội xuất khẩu mới cho Việt Nam.

Thời gian qua, Việt Nam đã chú trọng mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản sang các nước Châu Âu, nhất là từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực. Tuy nhiên, mới chỉ chủ yếu tập trung vào thị trường Tây Âu mà chưa khai thác được tiềm năng lớn từ các nước Bắc Âu, trong khi đây là khu vực có thu nhập cao. Năm 2023, tiếp tục khai thác thị trường thị trường xuất khẩu sang các nước Bắc Âu là ưu tiên.

Giữ vững thị phần xuất khẩu vào các nước đối tác trong hiệp định CPTPP là trọng tâm thực hiện mục tiêu xuất khẩu năm 2023. Tuy nhiên, hiện thị trường truyền thống như Hoa Kỳ, Canada đang bị ảnh hưởng bởi lạm phát, vì vậy năm 2023, các thương vụ sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp khai thác thị trường với việc thay đổi nhiều phương pháp xúc tiến.

Tại hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài đầu tiên của năm 2023, Bộ Công Thương nhấn mạnh việc cần có sự sáng tạo, đưa ra các biện pháp xúc tiến phù hợp để giữ vững, duy trì thị trường truyền thống, tìm kiếm và phát triển những thị trường mới.

Để giữ vững mục tiêu xuất khẩu năm 2023, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục làm tốt công tác thu thập thông tin, kết nối thị trường, kết nối doanh nghiệp trong và ngoài nước trong lĩnh vực thế mạnh.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Đức Minh