Bình Thuận: Tổ chức lại sản xuất để tiếp tục đưa thanh long vào thị trường Trung Quốc

Cần phân tích cụ thể về thị trường Trung Quốc khi nước này đã nâng toàn bộ tiêu chuẩn về hàng nông sản để sản xuất cho phù hợp là nhấn mạnh của đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận trong buổi làm việc với UBND huyện Hàm Thuận Bắc về tình hình sản xuất và tiêu thụ trái thanh long.

Huyện Hàm Thuận Bắc là địa phương có diện tích thanh long lớn thứ 2 trong tỉnh Bình Thuận với hơn 7.500ha. Hiện nay 85% sản lượng thanh long của huyện xuất sang Trung Quốc, còn lại tiêu thụ nội địa và các thị trường khác.

Từ năm 2021 đến nay, tình hình sản xuất và tiêu thụ thanh long trên địa bàn gặp nhiều khó khăn, ngoài những nguyên nhân khách quan như ảnh hưởng bởi dịch Covid -19, nguyên nhân sâu xa là do người dân chưa thực hiện được việc sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn Vietgap, GlobalGap; chưa đa dạng được sản phẩm thanh long; các nhà máy chế biến sau thu hoạch còn nhỏ, lẻ chưa giải quyết được sản lượng thanh long tồn đọng. 

Ông NGUYỄN VĂN HÙNG - Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận: “Chúng ta không đa dạng hóa được sản phẩm thanh long, như đồng chí Trưởng phòng Nông nghiệp có báo cáo thì gần đây có kem, có thanh long sấy, rượu… nhưng sản lượng không đáng kể”.

Trước những ý kiến của UBND huyện Hàm Thuận Bắc, Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Hồng Yến cho rằng, những khó khăn hiện nay cần có phân tích cụ thể về thách thức, thuận lợi, cơ hội để có giải pháp cụ thể, trong đó phải tổ chức lại sản xuất, vận động người dân làm mô hình kinh tế tuần hoàn để phát triển bền vững, tăng chế biến sâu gắn với các sản phẩm du lịch. Địa phương cũng cần có phân tích cụ thể về thị trường Trung Quốc khi nước này đã nâng toàn bộ tiêu chuẩn về hàng nông sản để sản xuất cho phù hợp.

Bà PHẠM THỊ HỒNG YẾN - Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận: “Thị trường Trung Quốc đã tăng toàn bộ tiêu chuẩn các mặt hàng nông sản, thị trường Trung Quốc có tiêu chuẩn như thị trường EU, Nhật Bản, Bắc Mỹ, chứ không còn là thị trường tiểu ngạch như chúng ta đã tiêu thụ trong 10 năm vừa qua, vậy trước bối cảnh như vậy và quy mô xuất khẩu 85% này liệu chúng ta có duy trì được trong tương lai không hay chúng ta cần tổ chức lại sản xuất để duy trì xuất khẩu sang thị trường rộng lớn, gần ngay chúng ta”.

Tại buổi làm việc, UBND huyện Hàm Thuận Bắc cũng đề xuất sáng kiến về việc chia vùng sản xuất để tránh tập trung thu hoạch cùng một thời điểm dẫn đến tình trạng thừa cục bộ. Sau khi làm việc với UBND huyện Hàm Thuận Bắc, đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận đi khảo sát tình hình thực tế tại các hộ dân, các hợp tác xã và doanh nghiệp tiêu thụ thanh long trên địa bàn.

Đắc Phú