Biến Thừa Thiên - Huế thành trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để phát triển năng lực địa phương

Ngày 22/6, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Cơ quan Phát triển Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức tham vấn dự án “Phát triển năng lực địa phương”.

Thừa Thiên - Huế dự kiến là một trong những địa phương được chọn triển khai dự án này, qua đó nâng cao chất lượng dịch vụ công, hướng tới sự hài lòng của người dân. Thời gian qua, tỉnh này đã có sự bứt phá ấn tượng như: dẫn đầu chỉ số quản trị hành chính công PAPI 2021, top 10 PCI… Bên cạnh đó, vẫn tồn tại một số điểm hạn chế như: tính năng động của chính quyền địa phương, thiếu chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, còn chậm trong chuyển đối số. Các nhà nghiên cứu kiến nghị dự cần quan tâm đến vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, có cơ chế hỗ trợ Thừa Thiên - Huế trở thành trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo khu vực.

Tiến sỹ ĐỖ THỊ XUÂN DUNG, Phó Giám đốc Phụ trách Đại học Huế: “Có thể có 1 chương trình ngắn hạn để đào tạo nghề, có thể tạo 1 vòng. Và từ cái này chúng tôi có thể đào tạo, ví dụ chuyên gia ngắn hạn về công nghệ thông tin, từ đó có thể tham gia xây dựng chính sách hoặc bổ sung cho các lĩnh vực khác.”

Ông HỒ THẮNG, Giám đốc Sở KHCN tỉnh Thừa Thiên - Huế: “Chúng tôi cho rằng năng lực hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp, cho khối tư nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia đổi mới sáng tạo rất quan trọng. Chúng tôi đang trình Ủy ban tỉnh xây dựng văn phòng hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hiện thực hóa các ý tưởng đi vào thực chất thành các doanh nghiệp.”

Các đại biểu cũng kiến nghị cần có chính sách quan tâm đặc thù đến cư dân vùng đầm phá Thừa Thiên - Huế trong vấn đề sinh kế bền vững cũng như giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đến khu vực này.

Tiểu Bảo