Biến đổi khí hậu - chủ đề nóng tại Đại hội đồng Liên hợp quốc

Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu của Liên hợp quốc đã cảnh báo rằng lượng khí thải toàn cầu đang trên đà vượt qua giới hạn nóng lên 1,5 độ C và đạt khoảng 3,2 độ C vào cuối thế kỷ này. Do đó, biến đổi khí hậu đã trở thành vấn đề nổi bật trong chương trình nghị sự của Khóa họp lần thứ 77 của Đại hội đồng Liên hợp quốc đang diễn ra tại New York, Mỹ.

Các nước đã kêu gọi đưa ra một hiệp ước không phổ biến nhiên liệu hóa thạch.

HIỆP ƯỚC KHÔNG PHỔ BIẾN NHIÊN LIỆU HÓA THẠCH

Sáng kiến kêu gọi một hiệp ước không phổ biến nhiên liệu hóa thạch đã được Vanuatu – một quốc đảo nằm ở vùng trũng đưa ra nhằm đẩy mạnh cuộc chiến chống lại sự nóng lên toàn cầu.

Tổng thống Vanuatu NIKENIKE VUROBARAVU: “Đã hết thời gian. Cần phải hành động ngay bây giờ. Và đó là lý do tại sao các quốc gia ở lục địa Thái Bình Dương xanh dẫn đầu một sáng kiến toàn cầu nhằm đưa biến đổi khí hậu lên Tòa án Công lý Quốc tế. Cơ quan chính duy nhất của Liên hợp quốc chưa được trao cơ hội để giải quyết vấn đề khủng hoảng khí hậu."

Hiệp ước sẽ nhằm giảm quy mô sản xuất than, dầu và khí đốt để hạn chế sự gia tăng nhiệt độ ở mức 1,5 độ C đã được thống nhất trên toàn cầu, nó cũng sẽ "tạo ra một quá trình chuyển đổi công bằng toàn cầu cho mọi người lao động, cộng đồng và quốc gia phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Trong khi đó Pakistan là quốc gia phải gánh chịu lũ lụt kinh hoàng khiến hơn 1.500 người thiệt mạng và gây thiệt hại ước tính khoảng 30 tỷ USD. Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif đã hỏi các nhà lãnh đạo thế giới tại sao người dân của ông lại phải trả giá cho sự nóng lên toàn cầu.

Thủ tướng Pakistan SHEHBAZ SHARIF: "Pakistan chưa bao giờ thấy một ví dụ rõ ràng và tàn khốc hơn về tác động của sự nóng lên toàn cầu. Cuộc sống ở Pakistan đã thay đổi mãi mãi. Thiên nhiên đã trút cơn giận dữ của mình lên Pakistan, mà không cần nhìn vào lượng khí thải carbon ít ỏi của chúng tôi."

PHONG TRÀO TOÀN CẦU “NGÀY THỨ 6 VÌ TƯƠNG LAI"

Trong khi khóa họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc đang diễn ra, ngày 23/9, hàng triệu người ở khắp nơi trên thế giới đã tham gia một cuộc tuần hành chống biến đổi khí hậu do giới trẻ dẫn đầu, hưởng ứng phong trào "Thứ Sáu vì tương lai" mà nữ sinh người Thụy Điển Greta Thunberg khởi xướng từ tháng 8/2018. Các cuộc biểu tình đã được lên kế hoạch tại khoảng 450 địa điểm trên toàn thế giới.

Ông CAIN JUAREZ, người tham gia tuần hành: “Không chỉ đối với chính phủ quốc gia mà đối với các nhà lãnh đạo thế giới, chúng tôi yêu cầu coi biến đổi khí hậu là ưu tiên và đặt công bằng xã hội về khí hậu là ưu tiên”.

Tại Đức, hàng chục nghìn người đã tham gia các cuộc biểu tình chống biến đổi khí hậu ở 250 thành phố. Những người biểu tình yêu cầu chấm dứt việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và nhanh chóng mở rộng quy mô năng lượng tái tạo.

Tại Mỹ những người tuần hành đã tập trung tại khu tài chính phố Wall, kêu gọi sự chú ý đến một loạt các vấn đề toàn cầu bao gồm nạn phá rừng Amazon. Các cuộc biểu tình diễn ra sáu tuần trước hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hợp Quốc COP27, nơi các quốc gia dễ bị tổn thương sẽ thúc đẩy việc yêu cầu các nước giàu bồi thường cho những thiệt hại liên quan đến biến đổi khí hậu.