Bỉ: Tận dụng bã cà phê trong cắt giảm rác thải nhựa

Một công ty của Bỉ đang cố gắng hạn chế rác thải đô thị bằng cách biến bã cà phê đã qua sử dụng thành nấm và gạch cách nhiệt. Đây là một cải tiến được kỳ vọng có thể cắt giảm đáng kể rác thải nhựa – vấn nạn mà nhiều quốc gia trên thế giới đang đau đầu tìm giải pháp tháo gỡ.

Tại khu công nghiệp này ở thủ đô Brussel (Bỉ), người ta đang thu hoạch nấm sò.  

Anh JULIEN JACQUET, Giám đốc điều hành PermaFungi: "Những cây nấm này chủ yếu phát triển trên bã cà phê, chúng tôi thêm một chút rơm rạ để bã không quá vụn. Trên thực tế, những cây nấm này đang phát triển nhờ rác thải đô thị."

Mỗi tháng, PermaFungi thu gom 5,5 tấn bã cà phê từ các quán cà phê đối tác trên khắp đất nước. Sau đó, bã cà phê được trộn trong một thùng lớn, nơi các bào tử nấm được thêm vào và chuyển vào các bao tải. Sau 15 ngày, nấm thu được từ phần bã cà phê đó sẽ được thu hoạch và bán trong các cửa hàng hữu cơ.

Anh JULIEN JACQUET, Giám đốc điều hành PermaFungi: “Lí do chúng tôi trồng nấm từ bã cà phê là bởi đây là môi trường hoàn hảo để trồng nấm sò. Mỗi năm chúng ta có tới 15.000 tấn bã cà phê bỏ đi, và chúng có rất nhiều công dụng, bao gồm cả việc trở thành nguyên liệu cơ bản cho những thứ khác."

Sau khi trồng nấm trong nhiều năm, PermaFungi hiện đang sử dụng bã thải từ việc trồng nấm sò của họ để tạo ra một vật liệu phân hủy sinh học, mà họ cho rằng có thể thay thế nhựa. Hiện công ty đã có đơn đặt hàng thương mại đầu tiên cho loại gạch cách nhiệt mới làm từ nấm.

Khi các chính phủ trên thế giới ưu tiên nền kinh tế tuần hoàn như một cách để cắt giảm lượng khí thải carbon, PermaFungi tin rằng việc tận dụng bã cà phê sẽ là một giải pháp hữu ích. Hiện tại, công ty hướng tới mục tiêu sản xuất 13 tấn nguyên liệu sợi mỗi tháng trong năm 2025.

Bùi Thảo