Bị đòi tiền chuộc, đánh đập vì sập bẫy "việc nhẹ lương cao" ở Campuchia

Nhiều người tiền mất tật mang, bị lừa bán qua biên giới, thậm chí còn bị hành hạ, đánh đập thương tâm vì sập bẫy "việc nhẹ lương cao" ở Campuchia.

- Việc nhẹ, lương cao vài nghìn USD

- Không cần bằng cấp, không cần chuyên môn, chứng chỉ

Đó là những lời mời chào hấp dẫn, trên các hội nhóm mạng xã hội tuyển người lao động tại Campuchia xuất hiện thời gian gần đây. Điểm chung của những hội nhóm tuyển dụng này là: Dùng Facebook ảo để chiêu dụ người lao động, không có địa chỉ cụ thể của công ty, không có thông tin được cấp phép hoạt động tuyển dụng đưa người lao động ra nước ngoài. 

Đã không ít người lao động Việt Nam mắc bẫy “việc nhẹ lương cao” từ các đối lừa đảo. Hậu quả để lại là “tiền mất – tật mang”, thậm chí phải bỏ cả tính mạng vì không chịu được áp lực công việc. 

Nạn nhân trở về từ Campuchia: “Có công ty người ta ép 1 tháng phải làm từ 1 tỷ tới 1 tỷ rưỡi cho người ta. Có những người không làm được thì họ bán, có những người không chịu được thì quyên sinh, tự tử vì gia đình không có tiền chuộc về.”

Những công việc “nhẹ nhàng - lương cao” thực chất là phát tán tin nhắn lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng xã hội; tư vấn, dụ dỗ vay tiền trực tuyến, đánh bạc, chơi game qua mạng.

Nạn nhân trở về từ Campuchia: “Sang đó người ta không trả lương ngay như hứa hẹn của môi giới đâu, họ trả 6 tháng 1 lần mà không làm được thì họ yêu cầu gia đình bỏ tiền ra chuộc về nếu không họ bán đi công ty ma. Gia đình em phải mất 70 triệu mới chuộc được em về.”

Với áp lực chỉ tiêu cao, đa số lao động sang Campuchia làm công việc trên đều không hoàn thành. Khi họ muốn trở về Việt Nam, các đối tượng yêu cầu bồi thường hợp đồng và đóng tiền phạt vì không hoàn thành nhiệm vụ.

Nạn nhân trở về từ Campuchia: “Lúc đầu họ sẽ ra một mức lương vài chục triệu đồng, bao ăn ở, xong ép công việc không hoàn thành thì sẽ bị đánh, nếu không chịu được phải có tiền chuộc về, nhiều người bị nó đánh cho ngơ luôn.”

Từ mức lương béo bở không ít lao động Việt đã sập bẫy các đối tượng lừa đảo, rơi vào tình cảnh trớ trêu, nguy hiểm đến cả tính mạng ở nơi đất khách quê người mà không biết kêu cầu ai.

Tỉnh táo, cảnh giác trước bẫy “việc nhẹ - lương cao”

Dù các cơ quan quản lý Nhà nước và Công an các địa phương đã rất nhiều lần cảnh báo tới người lao động Việt Nam có nhu cầu xuất cảnh ra nước ngoài. Nhưng trên thực tế vẫn không ít nạn nhân, vẫn tin vào những chiêu trò, dụ dỗ của các đối tượng lừa đảo. Để bảo vệ sức khỏe, tính mạng, mỗi người dân cần tự nâng cao cảnh giác, tìm hiểu kỹ trước khi có ý định ra nước ngoài lao động.

Nghe theo lời người quen sang Campuchia, mới đây 8 công dân của huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang bị lừa sang Campuchia lao động đã tới trình báo với cơ quan Công an. Để được trở về quê hương, người nhà của các nạn nhân phải mất trung bình từ 5000 USD đến 10.000 USD để chuộc người. 

Trung tá NGUYỄN VĂN SƠN, Đội trưởng Đội CSHS Công an huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang: “Sang bên đó thường là các đối tượng đưa công dân vào sòng bài, bạc làm các công việc liên quan tới lừa đảo qua mạng xã hội, dễ bị các đối tượng ép buộc, đánh đập ảnh hưởng tới tính mạng, sức khỏe.”

Dù các địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức. Song để nhận diện được thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo không phải điều dễ dàng, đặc biệt người đồng bào dân tộc thiểu số. 

Ông THÂN VĂN HUY. Phó Chủ tịch UBND xã Phượng Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang: “Trên địa bàn xã Phượng Sơn có 1 người là tên là Tân, người đồng bào dân tộc sắn dìu, sau khi bị lừa thì sang đó phải lao động vất vả quá sức và mất tiền chuộc về.”

Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Gia Liêm, khuyến cáo: “Người lao động Việt Nam có nhu cầu đi làm việc tại nước ngoài cần liên hệ trực tiếp với các doanh nghiệp được cấp phép và tuyệt đối không thông qua trung gian, hoặc tìm hiểu kỹ qua website: dolab.gov.vn.”

Ông NGUYỄN GIA LIÊM, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: “Khi có vấn đề phát sinh xảy ra ở nước ngoài người lao động cần liên hệ trực tiếp với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đặc biệt là các cơ quan lãnh sự và bảo hộ công dân, hoặc trực tiếp các cơ quan quản lý Nhà nước sở tại để nhận được hỗ trợ kịp thời.”

Người lao động Việt ở nước ngoài trong trường hợp cần hỗ trợ khẩn cấp liên hệ qua các hotline sau:

  • Tại Campuchia 00855-974.056.789
  • Tại Việt Nam 0084-981.848.484 
  • Tổng đài Quốc gia 111

Hữu Nghĩa